Bộ GD&ĐT lên tiếng trước thông tin sách giáo khoa mới lớp 1 quá nặng

02/10/2020 02:2
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng mới triển khai chương trình SGK lớp 1 mới 1 tháng mà cho rằng SGK nặng là chưa có căn cứ khoa học. sách giáo khoa lớp 1, sách giáo khoa mới,sách giáo khoa chương trình mới

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng mới triển khai chương trình SGK lớp 1 mới 1 tháng mà cho rằng SGK nặng là chưa có căn cứ khoa học.

Chương trình lớp 1 nặng là chưa có căn cứ

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III tại Bộ GD&ĐT, trả lời vấn đề nhiều phụ huynh than việc dạy con quá vất vả và chương trình quá nặng, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết Bộ chưa nhận phản ánh chính thức nào từ giáo viên, phụ huynh hay cơ sở giáo dục nào về việc chương trình quá tải.

Bộ GD&ĐT lên tiếng trước thông tin sách giáo khoa mới lớp 1 quá nặng

SGK lớp 1

“Hiện nay SGK lớp 1 mới triển khai 1 tháng. Việc triển khai chương trình là có chuẩn đầu ra và có khung chuẩn cho năm học, quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học.

Ví dụ với học sinh lớp 1 quy định chuẩn đầu ra kết thúc năm học như tiếng việt sau khi học 1 phút em học bao nhiêu từ. Từ đó, chương trình  quy định 420 tiết với môn Tiếng Việt và SGK theo khung chuẩn đầu ra và thiết kế bằng các con đường khác nhau để đi đến đích đó.

Chúng ta tiếp cận chương trình đã được hội đồng quốc gia thẩm định và mới đi những bước đầu thì chưa có căn cứ khoa học xác đáng nào cho việc nói chương trình nặng, quá sức học sinh. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, phản biện phát sinh diễn ra thực tế dựa trên đánh giá khoa học”, ông Tài cho hay.

Cũng theo ông Tài, chương trình giáo dục phổ thông mới có tính mở linh hoạt, dựa trên tính linh hoạt, tự chủ tính chuyên môn giáo viên, có hành lang pháp lý đầy đủ. SGK là đường hướng để giáo viên triển khai và nhiệm vụ của giáo viên là phải phân tích chương trình, có kế hoạch dạy học với từng đối tượng học sinh cụ thể, lộ trình cụ thể….

Kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định 5 năm tới

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Quang Nam – Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết từ kết quả của giai đoạn 2015-2020, định hướng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giai đoạn 2021-2025 được xác định sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT lên tiếng trước thông tin sách giáo khoa mới lớp 1 quá nặng

Ông Trần Quang Nam – Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT phát biểu tại họp báo

Hiện nay, Bộ đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025, trên quan điểm phân tích rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ giáo dục và Đào tạo và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh.

Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới.

Vừa qua, Bộ đã báo cáo Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên Hội đồng. Bộ đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ thông qua.

Chấn chỉnh lạm thu, tăng cường an toàn trường học

Cũng liên quan đến công tác chỉ đạo đầu năm học mới, theo ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục, trong đó tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học, cũng như chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu, tình trạng mất an toàn trường học, tình trạng giới thiệu sách tham khảo (kèm theo danh mục sách giáo khoa) tại một số cơ sở giáo dục.

Ngày 27/8, Bộ GD&ĐT ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021. Theo đó, về học phí, Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thống nhất quy định mức học phí cụ thể phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch Covid trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Về đảm bảo an toàn trường học, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong đó, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.

Đồng thời, tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão; lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.

Việt BáoXEM THÊM

Theo vietbao.vn

Bộ GD&ĐT lên tiếng trước thông tin sách giáo khoa mới lớp 1 quá nặng - Tin Tức