Quảng Ninh sẵn sàng đón khách Trung Quốc bằng nhiều sản phẩm du lịch cao cấp - Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Để hiện thực hóa mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh xây dựng phương án đón và phục vụ khách du lịch qua cửa khẩu đường bộ đi du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có khách Trung Quốc.
Khai thác 24 sản phẩm du lịch mới
Thống kê trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 3,35 triệu lượt (gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022), trong đó khách quốc tế đạt 157.000 lượt với tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.500 tỉ đồng.
Ông Phạm Ngọc Thủy - giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh - cho biết ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, phục hồi mạnh mẽ hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa. Quảng Ninh đã tổ chức họp bàn phương án đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ và đề xuất 24 sản phẩm du lịch mới trong năm 2023 tại 5 địa phương gồm: TP Hạ Long, Móng Cái, huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà.
Các nhóm sản phẩm du lịch mới bao gồm sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, du lịch đêm, du lịch sinh thái, nông nghiệp, thể thao mạo hiểm. Cụ thể, tại TP Hạ Long sẽ phát triển sản phẩm phố đêm du thuyền; tham quan núi Bài Thơ; tuyến phố đêm, phố đi bộ; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm, dịch vụ nghe nhạc trên vịnh Hạ Long...
Tại TP Móng Cái có sản phẩm du lịch ẩm thực Việt - Trung; du lịch sinh thái Thung lũng tình yêu; phiên chợ vùng cao Pò Hèn… Đặc biệt, Sở Du lịch cũng đã đề xuất công nhận 5 tuyến tham quan trên vịnh Bái Tử Long.
Trước mắt, đề xuất công nhận hai tuyến tham quan trên vịnh Bái Tử Long xuất phát từ cảng quốc tế Ao Tiên để đưa vào khai thác ngay.
Sở Du lịch Quảng Ninh đang đề xuất công nhận 5 tuyến tham quan mới trên vịnh Bái Tử Long sau khi bến cảng Ao Tiên, huyện Vân Đồn đưa vào khai thác - Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG
Bà Nguyễn Thị Hạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - yêu cầu các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 4-2023 và sẵn sàng cho mùa du lịch cao điểm.
Riêng hai tuyến trên vịnh Bái Tử Long, cần lưu ý đảm bảo các điều kiện về tuyến đường thủy nội địa, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện quản lý theo quy định hiện hành.
Thống nhất các biện pháp tổ chức đón, phục vụ khách Trung Quốc đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch; cung cấp những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Chủ động đón khách Trung Quốc
Nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá các hoạt động trải nghiệm du lịch tại Quảng Ninh được doanh nghiệp tung ra trong tháng 3-2023 - Ảnh: T.THẮNG
Cùng với các địa phương, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết trong xây dựng các sản phẩm độc đáo, với mức chi tiêu cao.
Ông Nguyễn Hà Hải - giám đốc Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hòn Gai (Hongai Tours Quảng Ninh), cho biết đơn vị đã chủ động làm việc với các đối tác, đơn vị lữ hành phía Trung Quốc để xây dựng tour, tuyến phù hợp.
Đơn vị dự kiến kết hợp và làm việc thêm với các hãng lữ hành quốc tế để tổ chức các đoàn charter (bay nguyên chuyến) qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khai thác tối đa hiệu quả của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Ngoài ra, các gói ưu đãi, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút du khách cũng được đẩy mạnh. Điển hình tại tổ hợp khu vui chơi giải trí Sun World Hạ Long áp dụng mức ưu đãi giảm giá 60%, từ 350.000 đồng còn 150.000 đồng/khách.
Giá vé Công viên Rồng giảm gần 70%, từ 350.000 đồng xuống còn 100.000 đồng/khách (áp dụng đến hết 28-4) và khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh tung chương trình khuyến mãi "mua 3 trả 2", tương đương khoảng 1 triệu đồng/khách.
Đà Nẵng sẵn sàng
Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, nhiều khách sạn, resort đang tích cực làm việc với đối tác phía bên kia để chuẩn bị nhận khách Trung Quốc.
Đại diện khối doanh nghiệp khách sạn tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh, tổng giám đốc Furama Resort Danang, cho hay các khách sạn từ lâu đã sẵn sàng trong việc đón khách Trung Quốc.
Hiện tại, sau khi có thông tin mở cửa du lịch với Việt Nam, đối tác lữ hành bên kia đã bắt đầu làm việc cùng các cơ sở lưu trú Đà Nẵng trong việc khôi phục hoạt động du lịch.
Theo ông Quỳnh, trong giai đoạn đầu có thể khách Trung sẽ quay lại trên các chuyến bay thuê chuyến. Sau khi nguồn khách đi vào ổn định, các hãng hàng không sẽ nối lại những đường bay thẳng thường lệ giữa Đà Nẵng và các thành phố phía Trung Quốc.
Trong khi đó, là doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường Trung Quốc - ông Nguyễn Minh Xoang, giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, nhận định sự trở lại của dòng khách này sẽ không diễn ra ồ ạt ngay sau thời điểm 15-3 mà sẽ có sự tăng trưởng dần dần.
Việc khách quay lại thời điểm nào còn tùy thuộc vào kế hoạch trao đổi nguồn khách của hai nước. Tuy nhiên theo đánh giá của ông Xoang, những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên có thể vào Đà Nẵng vào tháng 4 hoặc tháng 5-2023.
Trong quá trình này, việc khôi phục các đường bay là yếu tố quan trọng đưa khách trở lại. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành đang rất chờ đợi tín hiệu mở lại đường bay từ các hãng hàng không hai nước.