Dù đã 123 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Cơ vẫn rất minh mẫn, mái tóc còn đen láy, quanh năm cụ ăn cơm với muối vừng và chưa một lần phải đi viện.
Người dân xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) không ai còn xa lạ với câu chuyện cụ Nguyễn Thị Cơ bước sang tuổi 123 tuổi nhưng tóc còn đen láy, vẫn minh mẫn và có thể thể trò chuyện bình thường với người đối diện.
Khi chúng tôi tới thăm nhà, cụ Cơ nằm trên võng, tay phe phẩy chiếc quạt giấy. Thấy có tiếng người chào, cụ khẽ hỏi: “Ai đấy?”. “Cụ ơi, có các cháu ở xa tới chơi”, bà Nguyễn Thị Hạt (72 tuổi, con gái út cụ Cơ) tiến vội về phía chiếc võng rồi đỡ mẹ ngồi dậy.
Tóc đen hơn tóc con gái
Vuốt nhẹ mái tóc của mẹ, bà Hạt bảo, dù đã 123 tuổi nhưng răng cụ không móm, tóc vẫn đen, chỉ thoảng ít sợi bạc, trong khi tóc con gái đã bạc nửa đầu.
Cụ cũng chưa từng đau ốm “thập tử nhất sinh”, chưa đi viện bao giờ, chỉ yếu đi theo tuổi già. Mỗi lần mệt, cụ chỉ uống vài viên thuốc hoặc nhờ y, bác sĩ tiêm.
“Con rể cụ năm nay gần 90 tuổi đã lẫn nhưng cụ thì chưa. Tuy mắt không nhìn rõ nhưng cụ có thể nghe đài, nghe mọi người nói chuyện. Những người cùng hàng với cụ giờ mất hết. Thế hệ hậu sinh như chúng tôi cũng chỉ biết căn cứ vào chứng minh nhân dân cấp từ năm 1979 và căn cước công dân mới cấp để xác định tuổi của cụ là 123”, bà Hạt nói.
Theo giấy tờ, cụ Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1901 tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (nay là xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Cụ sinh được 3 người con gái nhưng con gái lớn không may mất từ nhỏ, con gái thứ hai lấy chồng xa nhà, cụ sống cùng con gái út Nguyễn Thị Hạt.
Năm 25 tuổi, bà Hạt gặp được người thông cảm hoàn cảnh gia đình, đồng ý ở rể. Hai người nên vợ nên chồng rồi sinh được một cô con gái. Năm 1980, chồng bà muốn chuyển về quê nội cách nhà vợ khoảng 10km. Nhiều người khuyên “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Tuy nhiên nhà neo người, bố bệnh nặng, vì chữ hiếu, bà Hạt chọn ở lại chăm sóc đấng sinh thành. Hai vợ chồng cũng ly thân từ đó, bà một mình nuôi con.
Năm 1982, bố bà Hạt qua đời, bà Hạt ở vậy chăm sóc mẹ già. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình hiện trông vào gần 1,3 triệu đồng tiền trợ cấp của hai mẹ con.
Cụ Cơ đã 123 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, có thể trò chuyện bình thường được với mọi người.
Khi được hỏi về thực đơn cũng như lối sống hàng ngày giúp cụ Cơ sống thọ, bà Hạt chỉ cười rồi nhấn mạnh "chẳng có bí quyết gì đâu".
“Mẹ tôi ăn đơn giản lắm, không ăn nước mắm, muối vừng là món ăn thường ngày. Ngoài ra có thêm vài miếng giò chả, nước chan, cơm phải được hâm nóng. Trước đây khi còn khỏe, cụ làm nông nghiệp, quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng đồng. Lúc về già không thể đi cày bừa, cuốc ruộng, cụ cũng làm việc nhẹ trong nhà như chăm gà, nấu cơm...”, bà Hạt kể.
Những năm trước, bà Hạt làm 2 sào ruộng để trong nhà quanh năm có gạo ăn. Vài năm gần đây, sức khỏe cụ Cơ yếu hơn, không thể tự đi lại, bà Hạt chỉ quanh quẩn ở nhà chăm mẹ, nuôi gà, trồng rau trên chính mảnh vườn của gia đình để tự cung tự cấp cho bữa ăn.
Mỗi bữa cơm, cụ Cơ ngồi trên chiếc ghế quen thuộc rồi tự bưng bát ăn cơm. Nếu thấy cơm canh chưa đủ nóng, cụ sẽ nhắc con gái hâm nóng lại.
Ngồi được một lúc, cụ Cơ ngả mình xuống chiếc võng, tay phải liên tục xoa bóp cánh tay trái.
“Tôi thương các con lắm. Bây giờ đau nhức, xương đau, đầu đau, mắt không trông rõ cũng không đi lại được. Bữa thì ăn được vài ba miếng cơm, lắm lúc ăn ít cháo. Giờ còn cái Hạt nó tắm giặt cho" , cụ Cơ chậm rãi nói từng câu ngắt quãng, âm lượng đủ để người đối diện nghe rõ. Tuổi cao, cụ chỉ mong hàng ngày ăn đủ bữa cơm, bữa cháo, con cháu khỏe mạnh.
Căn nhà cấp 4 của mẹ con cụ Cơ được xây dựng từ năm 1982.
'Mẹ sống khoẻ ngày nào tôi mừng ngày đó'
Hai mẹ con cụ Cơ sống trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1982. Mặc dù đã được tu sửa, lợp mái chống dột nhưng căn nhà vẫn lộ rõ dấu hiệu xuống cấp, nhiều mảng vôi ở tường, chân cột bong tróc.
Trong nhà kê hai chiếc giường cho hai mẹ con. Đêm đêm, nghe tiếng mẹ gọi hay mẹ trở mình thức giấc, bà Hạt cũng tỉnh ngủ, chạy vội sang giường bên để phụ mẹ đi vệ sinh, xoa bóp chân tay.
Trong căn nhà trống trải chỉ có hai chiếc quạt và tivi là vật có giá trị. Những tháng mùa hè, ngoài quạt điện, bà hạn chế bật tivi để tiết kiệm, tiền điện mỗi tháng chỉ khoảng 50.000 đồng.
Nhà có hai căn bếp nhưng bà chủ yếu dùng bếp đun củi mỗi ngày nấu hai siêu nước. Bếp gas thỉnh thoảng bật nấu bát canh và ít thức ăn.
Theo lời kể của bà Hạt, 1-2 năm trở lại đây, tóc cụ Cơ mọc đen ra.
Nhà neo người, những lúc đau ốm, bà Hạt vẫn cố gượng dậy chăm mẹ. Chỉ khi sức khỏe không cho phép, bà mới gọi các cháu về trông đỡ. Với bà lão 72 tuổi ấy thì còn sức còn chăm mẹ.
Từng có lúc bà Hạt nghĩ đến ngày không còn mẹ bên cạnh. Nghĩ rồi trong lòng bà là sự trống trải, hụt hẫng.
“Như các gia đình khác có con cháu quây quần, nhà tôi chỉ có 2 mẹ con ngày nào cũng thấy nhau. Tuy mẹ không thể trò chuyện nhiều nhưng vẫn có cái bóng. Tuổi già, sống chết là chuyện bình thường nên mẹ sống mạnh khỏe ngày nào tôi mừng ngày đó. Nếu một ngày mẹ mất đi thì tôi sẽ buồn lắm”, bà Hạt trải lòng về nỗi sợ luôn thường trực trong lòng.
Ông Nguyễn Viết Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết, gia đình cụ Cơ cũng nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Địa phương và ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình cụ trong các dịp lễ, Tết.
“Cụ gần như sử dụng rau, củ, quả nhà trồng để đảm bảo sức khỏe. Theo quy luật tuổi già, tóc sẽ bạc đi nhưng 1-2 năm trở lại đây, tóc cụ Cơ mọc đen ra. Theo lời kể của bà Hạt, cụ còn mọc thêm răng. Hiện, cụ Cơ vẫn có thể nghe được, nói chuyện và phản hồi thông tin từ những người đến thăm hỏi. Mặc dù lời nói không rõ nhưng cụ khá minh mẫn. Chúng tôi rất mong cụ luôn sống khỏe, vui vẻ tuổi già, mang lại niềm vui cho con cháu để con cháu tiếp tục chăm sóc cụ sống thọ hơn” ,ông Viết Anh nói.