Đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024 chính thức của Bộ GD-ĐT được cập nhật nhanh và chính xác nhất trên báo Vietnamnet.
Nam sinh gãy tay phải uống thuốc giảm đau, viết 4 trang văn thi tốt nghiệp THPT
Dưới đây là đáp án chính thức môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2024:
Chia sẻ với VietNamNet, cô Dương Thị Thanh Thủy (Tổ trưởng tổ Ngữ văn của Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội) nhận định đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2024 có mức độ khó vừa phải, thử thách học sinh ở nhiều khía cạnh khác nhau từ hiểu biết, suy nghĩ đến khả năng áp dụng. Điều này đảm bảo tính công bằng và chất lượng trong quá trình đánh giá năng lực của học sinh cấp THPT.
Cấu trúc đề thi rõ ràng, gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm); phần Làm văn (7 điểm) với 2 câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây nên học sinh không bất ngờ và được ôn luyện kỹ càng. Đề minh họa Bộ GD-ĐT công bố trước đó cũng bám sát cấu trúc này nên khá thuận lợi cho học sinh trong quá trình thực hiện bài thi.
Về độ khó, tính phân loại, đề thi sử dụng ngữ liệu Đọc hiểu là một đoạn văn trích từ bài viết Dòng sông và những thế hệ của nước của tác giả Nguyễn Quang Thiều có nội dung sâu sắc và ngôn ngữ giàu hình ảnh. Phần Đọc hiểu có hỏi 4 câu hỏi. Hai câu 1-2 ở mức độ nhận biết - những câu hỏi hầu như học sinh nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) đòi hỏi học sinh phải tư duy để chỉ rõ tác dụng của việc liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật; câu 4 (mức độ vận dụng) từ suy ngẫm của tác giả, học sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân.
Các câu hỏi trong đề thi yêu cầu học sinh không chỉ nhận diện/trích lọc thông tin mà còn phải chỉ rõ được tác dụng của việc liên tưởng, tìm ra bài học vận dụng vào đời sống cho bản thân. Việc này đặt ra thách thức đối với học sinh không chỉ về khả năng đọc hiểu mà còn về khả năng suy nghĩ logic, phân tích và tư duy sâu.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính”. Để hoàn thành câu hỏi này, học sinh thực hiện đúng kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội: bàn luận về ý nghĩa của vấn đề, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa và rút ra bài học của bản thân.
Câu Nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích đoạn trích trong tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả được thể hiện trong đọan trích thơ. Đây là tác phẩm học sinh chắc chắn được ôn tập kỹ, không bất ngờ nên học sinh có thể hoàn thành bài thi tốt. Tuy nhiên, đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích đoạn trích thơ mà còn phải thực sự hiểu sâu nội dung tư tưởng của tác phẩm mà tác giả gửi gắm. Đề bài nghị luận văn học này có tính phân hóa cao.
Như vậy, đề thi có mức độ khó tăng dần. Các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra năng lực của học sinh ở nhiều mặt khác nhau, từ kiến thức cơ bản đến năng lực sử dụng và áp dụng vào thực tế.
Với đề thi này, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5,5-6,6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp; các học sinh khá có thể đạt được mức điểm 7,0-7,5; học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8,0-8,5 trở lên.
Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 vào 8h ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.
YoloGiám đốc đi thi tốt nghiệp THPT ở tuổi 54: Cả gia đình ủng hộ tôiTheo VietnamnetXem link gốcẨn link gốc https://vietnamnet.vn/dap-an-chinh-thuc-mon-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-2024-cua-bo-gd-dt-2297333.html?fbclid=IwY2xjawDw2zJleHRuA2FlbQIxMAABHWxajCeSoTnSSP7O6vV_ZulIx_dFsSEYU5pMKQhZeAHY8SCrrr1Uk4Kpfw_aem_nTBSaB2b55UM5Pmkq-9vfA Chia sẻ