Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

06/12/2021 03:6
TTO - Dù dịch COVID-19 vẫn phức tạp nhưng doanh thu của nhiều ngành hàng đã tăng trở lại được ví von như người vừa khỏi bệnh nhờ nỗ lực tập luyện nên da dẻ hồng hào.

TTO - Dù dịch COVID-19 vẫn phức tạp nhưng doanh thu của nhiều ngành hàng đã tăng trở lại được ví von như người vừa khỏi bệnh nhờ nỗ lực tập luyện nên da dẻ hồng hào.

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

Doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao TP.HCM đã phục hồi sản xuất - Ảnh: NGỌC HIỂN

Không chỉ sản xuất mà cả xuất khẩu, tiêu thụ nội địa cũng có niềm vui phục hồi rõ nét. Để có nhiều kết quả tốt hơn nữa, các doanh nghiệp (DN) cũng đưa nhiều kiến nghị để phục hồi nhanh và bền vững hơn. Ghi nhận ở một số DN điển hình.

Năng lực sản xuất tốt mùa dịch

Thời điểm này, nhà máy của Công ty TNHH điện tử DLG Ansen (Khu công nghệ cao TP.HCM) đã hoạt động trở lại bình thường, số công nhân quay lại nhà máy đạt tỉ lệ cao. Bên trong nhà máy, các công nhân miệt mài sản xuất thiết bị điện tử với khoảng cách làm việc bảo đảm giãn cách để phòng dịch.

Ông Đặng Công Bình - giám đốc công ty - cho biết do DN tuyển lao động ở TP.HCM và khu vực lân cận nên khi sản xuất trở lại, công nhân bắt tay ngay vào làm việc ổn định. Đang sản xuất đơn hàng cho đối tác ở Mỹ, châu Âu ngay trong mùa dịch nên có thêm khách đặt hàng, đủ đơn hàng cho cả năm sau.

Để có được nhiều đơn hàng tốt, công ty phải chứng minh năng lực, sức chịu đựng của DN trước dịch khi thời gian qua đã "3 tại chỗ", thậm chí phải thực hiện những cuộc livestream để cho khách hàng bên Mỹ, châu Âu "mục sở thị" cảnh công nhân đang nỗ lực sản xuất ra sao trong thời điểm dịch. Do đó, khách hàng đã tin tưởng để tiếp tục tái đặt hàng những đơn hàng năm mới. Hiện công nhân cũng luân phiên tăng ca để đảm bảo tiến độ sản xuất, tiến độ đơn hàng dịp cuối năm.

Đại diện chi hội DN Khu công nghệ cao TP cho biết thời điểm hiện nay, nhiều DN đã phục hồi tốt khi tăng tuyển dụng lao động, nâng công suất sản xuất, đảm bảo phục hồi công suất 100% so với thời điểm trước dịch.

Trong khi đó, với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty Bidrico (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) - cho biết tuy còn khó khăn về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, song DN đã nỗ lực tái sản xuất, đến nay việc sản xuất tại nhà xưởng đã ổn định trở lại. Theo ông Hiến, việc sản xuất thời điểm này phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường, nếu thị trường tiếp tục phục hồi tốt hơn, DN cũng sẽ tăng cường sản xuất, cung ứng các sản phẩm ra thị trường nhiều thêm.

Tương tự, tại một nhà xưởng sản xuất hàng xuất khẩu ở quận 12, gần 300 công nhân đã quay trở lại sản xuất ổn định dù các đợt xét nghiệm định kỳ vẫn phát hiện F0. Theo đại diện DN, thường các F0 sẽ điều trị tại nhà, phục hồi sau 7 - 10 ngày điều trị nên tâm lý người lao động ổn định, năng suất lao động cũng duy trì cao. Hiện nay, DN này đã sản xuất các đơn hàng cho năm 2022 và lượng đơn hàng cho năm sau đã kéo dài đến giữa năm nên DN yên tâm về khối lượng công việc trong thời gian tới.

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM - Dữ liệu: T.V.Nghi - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chăm chút thị trường trong nước, doanh số tăng 50%

Ông Phan Minh Thông - tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, công ty có kinh nghiệm 20 năm xuất khẩu hàng đầu về hồ tiêu, cà phê và nhiều loại nông sản khác - cho biết dù năm 2021 tiếp tục chịu tác động của COVID-19 tới nền kinh tế nhưng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Sinh tại thị trường nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, doanh số các sản phẩm bán trong nước năm 2021 ước tính tăng 50% so với năm 2020 lên mức 100 tỉ đồng và đã có lãi. Mảng xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng ấn tượng khi doanh số cao hơn so với các năm 2019 và 2020.

Để có thành công trong gian khó này, theo ông Thông, là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước bằng sản phẩm chất lượng cao, thiết kế đẹp mắt và kênh bán hàng tiện lợi với người tiêu dùng. Sau 20 năm đem "hàng ngon" xuất khẩu, khách nước ngoài đến Việt Nam thắc mắc không tìm thấy nông sản ngon như hàng họ mua về, Phúc Sinh quyết định đưa hàng chất lượng cao nhất về thị trường nội địa bằng cách phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn cao nhất thế giới, sang trọng và bắt mắt.

Tiếp theo là việc lựa chọn kênh phân phối, trong đó đầu tư mạnh vào bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Dù mới thâm nhập thị trường nội địa 3 năm qua nhưng doanh số và phản hồi của khách hàng rất tích cực. Không chỉ khách hàng mua lẻ về tiêu dùng ngày một tăng mà những nhà sản xuất phân phối trong nước cũng biết nhiều đến Phúc Sinh để mua sỉ, mua nguyên liệu về chế biến hàng của họ.

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

Nhà máy đông đủ công nhân là mong ước của nhiều chủ doanh nghiệp. Trong ảnh: hoạt động của một doanh nghiệp tại quận 12 - Ảnh: N.HIỂN

Có F0 vẫn không đứt gãy sản xuất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Giàu - chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây - cho biết thời gian qua DN này liên tục tăng trưởng về doanh số, doanh số bán hàng đã tăng 200 - 300% so với trước dịch. Hiện DN này cũng tăng công nhân với số lượng gấp đôi so với thời điểm "3 tại chỗ". Theo bà Giàu, vấn đề các DN đang gặp phải hiện nay là quá trình phục hồi sản xuất sẽ có thêm các ca nhiễm COVID-19 trong người lao động. Tuy nhiên, khi có F0, DN sẽ chủ động phát thuốc điều trị, hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong thời gian nghỉ để họ yên tâm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Vân - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich - cho biết số công nhân quay trở lại nhà máy đạt 90% với gần 4.800 người. Dù công ty chuyên sản xuất giày da này đã nỗ lực để tái sản xuất song bà Vân cho hay hiện DN này vẫn còn gặp khó bởi số công nhân là F0 vẫn cao. Theo bà Vân, công nhân khi là F0 phải cách ly chữa trị 14 ngày ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất do đặc thù của DN sản xuất theo dây chuyền, những người ở vị trí quan trọng phải cách ly sẽ tác động đến cả dây chuyền.

Vì thế, DN đã hợp đồng với bệnh viện tại TP Thủ Đức nên khi phát hiện F0, bệnh viện sẽ đến đưa người lao động đi cách ly tập trung và chữa trị, trừ trường hợp công nhân có đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Tương tự, đại diện một DN sản xuất ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho hay hiện nay công ty đã quay trở lại sản xuất bình thường, nếu có F0 DN sẽ tái thực hiện các quy trình truy vết, tầm soát F1 để ổn định sản xuất. Theo vị này, hiện DN phải nỗ lực để đảm bảo số lượng công nhân sản xuất các đơn hàng dịp cuối năm.

Trong khi đó, đại diện công ty Q. (quận 12) cho biết hiện nay mỗi lẫn xét nghiệm định kỳ, DN vẫn phát hiện F0 và đều phải xịt khuẩn nhà máy, xét nghiệm những người tiếp xúc gần và theo dõi những ngày sau đó, báo với y tế địa phương để đưa người nhiễm bệnh đi cách ly hoặc về cách ly tại gia đình. Tất cả biện pháp trên để nhanh chóng ổn định sản xuất khi mọi thứ đang trở lại.

Tìm thêm đầu ra qua kênh thương mại điện tử

Mới đây, ông Phan Minh Thông cũng cho ra mắt cuốn sách viết về kinh doanh với tiêu đề Vượt lên những con đường kinh doanh và bán lẻ qua website của công ty và các sàn thương mại điện tử lớn. Chỉ sau thời gian ngắn, lượng đặt hàng sách đã vượt trên 6.000 cuốn. "Đây là một bất ngờ vì chúng tôi chọn cách bán lẻ qua các kênh thương mại điện tử nhưng số lượng người đặt mua rất lớn. Điều đó cũng cho thấy thương mại điện tử là kênh phân phối quan trọng và có thể đem lại thành công cho những doanh nghiệp biết tận dụng những lợi thế mà các nền tảng này đem lại" - ông Thông chia sẻ.

Linh hoạt sẽ tồn tại

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

Công nhân sản xuất tại Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trương Tiến Dũng - tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (ATP) - cho biết hiện doanh nghiệp (DN) đã khôi phục sản xuất trên 80% so với trước đó. "Từ đầu tháng

11-2021 doanh thu của công ty đã dần ổn định và có những tín hiệu khả quan, dù khó khăn vẫn còn rất nhiều thách thức" - ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, trước mắt đảm bảo việc làm cho người lao động từ đây đến Tết được lãnh đạo DN đặt lên hàng đầu. "Ngoài mùa vụ làm hàng Tết cho thị trường nội địa và các đơn hàng xuất khẩu đã ký hợp đồng, chúng tôi cố gắng tối đa để không đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc mất thị trường được. Và để thực hiện được nhiệm vụ hết sức khó khăn này, DN rất cần những chính sách điều tiết, hỗ trợ để DN hoạt động an toàn, xuyên suốt vô cùng quan trọng" - ông Dũng thông tin.

Hiện nay, áp lực lớn nhất đè nặng lên DN, theo ông Dũng, chính là sức mua kém ở thị trường nội địa và chi phí đầu vào sản xuất đồng loạt tăng mạnh do nguồn nguyên liệu cung ứng không đồng bộ, bị thiếu hụt nghiêm trọng vì các địa phương lân cận cũng căng mình chống dịch.

Do đó, để có một chính sách vận hành đồng bộ giữa các địa phương kể cả khi dịch chuyển biến xấu, "đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu phải được thông suốt tuyệt đối là điều mà DN mong muốn nhất hiện nay. DN không thể đảm bảo tiến độ cung ứng hàng hóa cho thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nếu thiếu đi sự nhất quán trong việc điều phối giữa các tỉnh thành" - ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về việc cần chính sách linh hoạt, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng từ nguyên liệu cho đến hàng hóa, ông Lâm An Dậu - tổng giám đốc Công ty CP giấy Vĩnh Tiến - cho rằng các giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM thời gian vừa qua đã giúp rất nhiều DN "tôi luyện khả năng thích ứng không chỉ để tồn tại mà còn tìm cách thoát ra khó khăn bằng chính nội lực của mình".

Lấy câu chuyện của chính DN mình làm ví dụ, ông Dậu cho hay khi thời gian giãn cách nghiêm ngặt kéo dài, công ty nhanh chóng "ngắt" lượng công nhân sản xuất giấy tập học sinh sang sản xuất khẩu trang chất lượng cao với công suất máy chạy tối đa vốn đã đầu tư trước đó. "Thị trường cần khẩu trang nên chúng tôi đáp ứng rất nhanh chóng. Vừa đảm bảo sản xuất, ổn định việc cho người lao động, mà còn tìm được đơn hàng mới liên tục trong thời gian duy trì sản xuất tại chỗ cho công nhân" - ông Dậu nói.

Ông Dậu cho biết thêm hiện lượng công nhân trở lại làm việc tại nhà xưởng đã đạt gần 100% do công ty đang quay trở lại sản xuất chính mảng in ấn và bao bì, song song với sản xuất khẩu trang y tế theo các đơn hàng đã ký. "Để đảm bảo cho DN và người lao động được an toàn, tôi nghĩ chính sách cấp đủ, cấp sớm vắc xin là kiến nghị mà cả cộng đồng DN khẩn thiết đề xuất chính quyền quan tâm. Được như vậy thì DN mới yên tâm, đồng lòng dốc lực sản xuất trở lại phục hồi kinh tế" - ông Dậu chia sẻ đầy trăn trở.

T.V.NGHINgười dân đã mở hầu bao

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

Người dân mua sắm tại một cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Payoo Việt Nam, doanh thu hầu hết các ngành nghề dịch vụ, các chuỗi thức ăn và thức uống (F&B) đều khởi sắc từ tháng 10 đến nay, đem lại doanh thu cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ghi nhận từ dữ liệu giao dịch thanh toán không tiền mặt của hãng này cho thấy trong tháng 10, doanh thu của các cửa hàng mua sắm thời trang, mỹ phẩm đã tăng gần 50% so với tháng trước và tăng khoảng 20% so với thời điểm trước dịch.

Đâu thể trầm lắng mãi

Trong đó, phải kể đến các trung tâm thương mại nay đã khởi sắc và kích cầu thành công khi doanh thu tăng vượt bậc. Số liệu nửa đầu tháng 11 cho thấy một số trung tâm thương mại đã đạt tăng trưởng gấp 2 so với cùng kỳ tháng 10 và nhỉnh hơn cùng kỳ tháng 5, thời điểm trước bùng dịch. Bên cạnh đó, khi TP.HCM mở cửa, người dân có thêm các lựa chọn khi mua sắm hàng hóa nên cũng mạnh dạn chi tiêu hơn.

Con số này được ghi nhận khả quan hơn nữa trong dịp khuyến mãi mua sắm Black Friday vừa qua. Đại diện sàn Tiki cho biết tổng doanh thu toàn sàn trong tuần lễ vừa qua đã tăng 6 lần, tổng đơn hàng tăng gấp đôi so với ngày thường, đặc biệt số đơn hàng thanh toán không tiền mặt tăng gấp 3 lần.

Bên cạnh quần áo, thời trang, hàng điện máy... các nhà kinh doanh cũng mạnh tay giảm giá hàng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm tươi sống. Trên các trang thương mại điện tử, mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu cũng có mức giảm sâu và được nhiều người săn mua nhất. Như tại sàn Tiki, thịt đông lạnh nhập khẩu, pizza, bánh kẹo... luôn trong tình trạng "cháy hàng", các loại trái cây, thức uống cũng nằm trong tốp bán chạy nhất.

Đại diện hệ thống Lotte Mart VN cho biết để kích cầu sức mua, hệ thống đã triển khai một số chương trình khuyến mãi sâu trong tháng 12 với mức giảm lên đến 70%, đảm bảo hàng hóa chất lượng và giá cả phù hợp. "Chúng tôi cũng thực hiện vừa giảm giá vừa tặng quà và tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống" - đại diện Lotte Mart VN nói.

Tương tự, ở mảng nội thất cũng có sự phục hồi tốt với doanh thu tăng từ 1,2 lần đến 2 lần so với trước dịch khi nhu cầu sắm sửa, chăm sóc nhà cửa của người dân sau dịch tăng cao.

Hàng quán hứa hẹn tăng tốc

Trong khi đó, các chuỗi F&B có mức hồi phục nhanh nhờ sự linh hoạt trong chính sách bán hàng. Nếu như nửa đầu tháng 10, F&B chưa trở lại đường đua thì việc cho phép mở cửa tại chỗ đối với các quán ăn uống từ ngày 14-10 ở Hà Nội và 28-10 ở TP.HCM đã đánh dấu sự trở lại của nhiều chuỗi. Do thời gian mở cửa chưa dài, trung bình doanh thu nhóm F&B chỉ đạt khoảng 60-80% so với trước dịch, nhưng ngành này vẫn có những điểm sáng nổi bật.

"Chúng tôi ghi nhận có chuỗi cửa hàng nhờ các giải pháp hiệu quả như tinh giản thực đơn cho khách mang đi, đẩy mạnh giao hàng và thanh toán trực tuyến nên doanh số chỉ 10 ngày đầu tháng 11 đã đạt 50% toàn tháng 10, hứa hẹn tăng tốc trong những tháng cuối năm" - đại diện Payoo Việt Nam nhận định.

Theo Sở Công thương TP.HCM, báo cáo nhanh về tình hình thương mại trên địa bàn ghi nhận các chuỗi bán lẻ lớn đều có lãi trong tháng 10 khi hoạt động lại, đặc biệt nhờ có thêm sự cộng hưởng từ các chương trình siêu sale cuối năm, "Tháng khuyến mãi tập trung" của thành phố.

N.BÌNHTận dụng cơ hội để bung ra

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại

Hệ thống siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World vừa khai trương thêm siêu thị tại đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) vào ngày 27-11 - Ảnh: A.B.

Ông Lê Hữu Nghĩa - giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết đến ngày 29-11, công ty đã khai trương 12 siêu thị ở TP.HCM. Thời gian qua DN này duy trì tiến độ hai tuần khai trương một siêu thị. Theo ông Nghĩa, sức mua đã tăng lên, đạt ở mức 60 - 70% so với trước đợt dịch thứ 4. "Thời điểm này DN bán lẻ mở rộng chi nhánh có lợi thế khi giá mặt bằng giảm khoảng 30%, do đó DN có thể chọn những vị trí tốt để mở mới hoặc chuyển sang những vị trí có mức giá tốt hơn" - ông Nghĩa nói thêm.

Nhộn nhịp tăng ca làm hàng Tết

TTO - Hàng loạt doanh nghiệp cho biết nguồn hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết năm nay sẽ không thiếu nhờ kế hoạch sản xuất được đẩy mạnh. Ngay mặt hàng thịt heo nhiều doanh nghiệp cho hay sẽ cung cấp đủ.

NGỌC HIỂN - TRẦN MẠNH

Theo Nguồn tuoitre.vn

Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại - Sức Khỏe