Nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng thắt chặt tiền tệ.
Ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất
Trong biểu lãi suất tháng 7 vừa áp dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm % đối với các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Agribank.
Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân gần đây vẫn tiếp tục thay biểu lãi suất mới theo hướng tăng cao, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong biểu lãi suất gửi online mới nhất, các mức lãi suất đã tăng lên đáng kể. Lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1-3 tháng vừa được tăng lên 4%/năm (tăng khoảng 0,5 điểm % so với trước đó); kỳ hạn từ 15-36 tháng lên tới 6,5%/năm (tăng tới khoảng 1 điểm % so với trước đó).
Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh nhất. Tăng 0,9 điểm % cho kỳ hạn từ 1 và 9 tháng; tăng 0,6 điểm % một năm cho kỳ hạn 3 và 12 tháng; tăng 0,8 điểm % cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi tại quầy. Với khách hàng giao dịch online, lãi suất tiết kiệm được nâng 0,3 điểm % cho kỳ 6 và 12 tháng, tăng thêm 0,5 điểm % cho kỳ 9 tháng.
Ngân hàng TMCP Nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã tăng 0,4 điểm % cho khách hàng gửi tiền từ 1-3 tháng tại quầy; các kỳ hạn 6 và 9 tháng được tăng 0,3 điểm %; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm %. Với giao dịch online, HDBank điều chỉnh lãi suất ở tất cả kỳ hạn phổ biến, trong đó tăng 0,9 điểm % cho kỳ hạn 1 tháng và tăng 1,2 điểm % cho kỳ hạn 6 tháng.
Ngoài ra, một loạt ngân hàng tư nhân khác tiếp tục tăng lãi suất. Thời gian qua, những cái tên như TPBank, GPBank, DongABank, CBBank, VietCapitalBank,... liên tiếp cập nhật lãi tiền gửi tiết kiệm, góp phần nâng mặt bằng lãi suất chung lên cao hơn.
Tính từ đầu năm tới nay, đã có tới 31 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất, đẩy mức lãi suất huy động lên cao với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Hiện có 10 ngân hàng có lãi suất huy động từ 7%/năm trở lên. Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng TMCP Sài gòn (SCB) ở mức 7,55% cho kì hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm online.
Các dự báo cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, do áp lực về lạm phát, do nhu cầu vay vốn tăng, trong khi nhiều người có nhu cầu sửa chữa nhà cửa, trả nợ, mua sắm xe cộ, đồ dùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Vì vậy, không có tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, phải rút tiền gửi, thậm chí là vay từ ngân hàng để chi tiêu... sẽ đẩy lãi suất huy động tăng.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, với áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới, cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong các tháng tới, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng, mức tăng khoảng 1-2 điểm % trong cả năm 2022.
Thời kỳ thắt chặt tiền tệ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ở mức 8,51% nhưng huy động vốn chỉ tăng 3,97%. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh hút VND về. Trong khoảng 10 ngày từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã rút hơn 177.000 tỷ đồng khỏi các ngân hàng, thông qua phát hành tín phiếu; cùng với đó là bán ra khoảng 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối, hút về hơn 230.000 tỷ đồng. Động thái giảm cung VND trên của Ngân hàng Nhà nước có mục đích chính là để kiểm soát lạm phát.