Mùa mưa bão năm nay, Hà Tĩnh được dự báo đỉnh lũ cao hơn trung bình những năm trước.
Các phương án bảo vệ những tuyến đê xung yếu ở Hà Tĩnh trước mùa mưa bão đã được chuẩn bị.
Đê La Giang đóng ở bờ hữu sông La với chiều dài 19,2km, đi qua địa phận huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Tuyến đê được xây dựng từ năm 1934, thi công qua nhiều giai đoạn với hình thức đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng bằng thủ công và cơ giới.
Toàn tuyến đê La Giang có 8 cống dưới đê, trong đó có 4 cống tưới kết hợp tiêu và 4 cống trạm bơm qua đê. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh trực tiếp quản lý vận hành 7 cống, còn lại 1 cống tưới trạm bơm Đức Nhân do UBND huyện Đức Thọ quản lý vận hành.
90 năm qua, tuyến đê La Giang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hơn 301.000 người dân; trên 48.000ha đất canh tác và nhiều hạ tầng quan trọng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, năm 2024 đã ghi nhận một mùa hè khốc liệt, với lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 8 thiếu hụt và phổ biến thấp hơn 10 - 20% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ; từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%.
"Số đợt lũ và đỉnh lũ năm nay dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2022, 2023. Cần đặc biệt đề phòng lũ lớn đột biến gây ngập lụt nghiêm trọng và đỉnh lũ cao lịch sử", ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo.
Tuyến đê La Giang có chiều dài 19,2km, trong đó có 15,7km đi qua địa phận huyện Đức Thọ 15,7km và 3,5km đi qua thị xã Hồng Lĩnh.
Mưa lũ dự báo cực đoan, có những thời điểm vượt ra ngoài quy luật thông thường sẽ đe dọa các công trình chống lũ trọng yếu như đê La Giang, hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác, các hồ chứa vừa và nhỏ xây dựng từ 30 - 40 năm trước. Riêng với đê La Giang, được xây dựng từ năm 1934, thi công qua nhiều giai đoạn với hình thức đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng bằng thủ công và cơ giới.
Công trình được phân cấp quản lý theo địa giới hành chính, trong đó đoạn từ K0 đến K15+600 do UBND huyện Đức Thọ chịu trách nhiệm; đoạn từ K15+600 đến K19+200 do UBND thị xã Hồng Lĩnh chịu trách nhiệm; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh trực tiếp quản lý 7 cống dưới đê.
Đê La Giang bảo vệ an toàn cho 301.653 người dân, 48.401 ha đất canh tác và cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.
Theo ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trong 19,2km chiều dài của đê La Giang có hơn 12km đã được bê tông hóa; còn 5,79km chưa được gia cố. Các tài liệu khảo sát địa chất xác định, trên tuyến đê La Giang có 2 loại nền đê đặc trưng là đoạn đê nền cát có hệ số thấm lớn và đoạn đê có nền đất mềm yếu.
"Quy mô đê La Giang đã được đầu tư nâng cấp lớn hơn nhiều so với trước đây nhưng với tình hình thiên tai, lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường thì công tác hộ đê mùa lũ vẫn luôn là nhiệm vụ cấp bách và được Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu", ông Thịnh nhấn mạnh.
Từ cuối tháng 6/2024, tỉnh Hà Tĩnh đã giả định nhiều phương án hộ đê La Giang nhằm bảo vệ an toàn cho công trình, người và tài sản trong suốt mùa mưa lũ.
Mặc dù đê La Giang đã được đầu tư nâng cấp lớn hơn nhiều so với trước đây, tuy nhiên mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ của tuyến đê cũng lớn hơn do cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, việc đưa ra các tình huống giả định, xây dựng phương án bảo vệ vùng trọng điểm nguy hiểm có thể xảy ra sự cố khi có lũ lớn kèm theo bão, triều cường thời gian mưa lũ kéo dài.
Các vùng trọng điểm nguy hiểm trên tuyến đê La Giang sẽ được chú trọng bảo vệ trong mùa lũ năm nay, bao gồm: hệ kè Tùng Ảnh (đoạn K0+600 - K2+100). Đây là đoạn đê chạy ngay sát mép bờ sông La, chiều cao đê lớn và nằm trên vùng cát thô có chiều dày từ 5 - 13m; về mùa khô xuất hiện dòng thấm ngược từ phía đồng ra phía sông gây sập mái đê, cơ đê phía sông và kè bảo vệ chân đê phía sông.
Cống Trung Lương nằm trên tuyến đê La Giang, đi qua địa bàn thị xã Hồng Lĩnh.
Về mùa lũ, dòng chảy áp sát thân đê gây sập tuyến kè, xói lở mái đê phía sông. Đây là đoạn đê đã từng xảy ra sự cố sạt trượt mái đê phía sông do mưa lũ năm 1996 với chiều dài sạt, trượt gần 100m. Mặc dù nhiều năm qua, được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, sự hỗ trợ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên đầu tư, tu bổ, nâng cấp tuyến kè bảo vệ mái đê phía sông, tuy nhiên đây vẫn là một trong những vị trí xung yếu nhất của tuyến đê La Giang cần được bảo vệ.
Điểm tiếp theo là cụm cống Đức Xá (tại K8+00 - K8+165). Cụm cống này hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2017 và chưa qua thử thách, lại được xây dựng qua đoạn đê có nền địa chất mềm yếu.
Các ngành chức năng lên phương án bảo vệ tuyến đê xung yếu La Giang trước mùa mưa bão.
Vùng trọng điểm thứ 3 là vùng sủi Đức Diên (từ K12+200 - K14+100). Mặc dù trong thời gian qua đã thi công đắp kéo dài tầng phủ phía sông đến cao trình (+3m), rộng 10m; trong phạm vi vùng sủi lớn đã được xây dựng hệ thống 10 giếng giảm áp, hiện nay các giếng giảm áp này đang phát huy tác dụng rất lớn, kèm theo đó là hệ thống kênh tiêu thoát cũng đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo tiêu thoát nước khu vực. Tuy nhiên, do nền đê đoạn này là tầng cát thô dày; tầng phủ phía sông và phía đồng mỏng nên khi nước lũ lên trên báo động II xuất hiện các vùng sủi, mạch sủi; đặc biệt là các giếng nước của người dân ven đê vẫn xuất hiện sủi nước tràn qua miệng ống và xung quanh thành giếng, tiềm ẩn nguy hiểm.
Ngoài ra, còn có một số điểm như đoạn ngã sóng (từ K16+213 - K19+080), khi có lũ lớn kết hợp gió bão mạnh hoặc áp thấp nhiệt đới, nguy cơ tràn đê và sạt lở mái đê. Cống trạm bơm Đức Diên (K11+625); cống Quy Vượng (K13+880); cống Lam Hồng (K19+200)…
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời