Mỹ phẩm Việt “chết” vì hàng nhái và PR kém

13/05/2023 10:13
Ghé kệ mỹ phẩm của siêu thị Winmart trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TPHCM, chúng tôi thấy đủ loại nhãn hiệu mỹ phẩm dưỡng da, chăm sóc tóc của nước ngoài như Pond’s, Neutrogena, St.Lves (Mỹ), Senka, Hadalabo, Biore (Nhật), L’oréal (Pháp), Double Rich (Hàn Quốc), Nivea (Đức)…

 

Khi chúng tôi ngỏ ý tìm kem dưỡng trắng da, nước tẩy da, serum thuần Việt, nhân viên bán hàng nói, trên kệ hiện chỉ có Cocoon - mỹ phẩm thuần chay của Việt Nam. Mặt nạ dưỡng da cũng chỉ có 2 nhãn hiệu Việt Nam là Vedette và Ôliv, mỹ phẩm trang điểm thì hoàn toàn vắng bóng hàng trong nước. Theo nhân viên kệ mỹ phẩm, hiện hệ thống Winmart đã ngưng kinh doanh những sản phẩm làm đẹp có tên tuổi của Việt Nam như Thorakao, Titione, Bé Bé, E100, Long Thuận, Lana… một phần do bán chậm, một phần do doanh nghiệp tự rút.

Mỹ phẩm Việt “chết” vì hàng nhái và PR kém

Một cửa hàng mỹ phẩm trong chợ Bàn Cờ (quận 3, TPHCM) bày bán nhiều mỹ phẩm ngoại nhập để đáp ứng thị hiếu của người mua - Ảnh: Thanh Hoa

Tại Co.opMart, mỹ phẩm trong nước cũng chỉ còn một số loại và nhãn hàng, như kem dưỡng da, sữa rửa mặt Thorakao, E100, Titione, mặt nạ dưỡng da Vedette, Ôliv. Trước đây, LOTTE Mart bày bán khá nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm Việt Nam nhưng hiện nay chỉ còn dòng mặt nạ dưỡng da Vedette.

Hiện chợ truyền thống vẫn bày bán mỹ phẩm Việt Nam nhưng số sản phẩm có tên tuổi khá ít do bị các thương hiệu mỹ phẩm ngoại áp đảo.

Nhìn vào tủ trưng bày mỹ phẩm của sạp Hường trong chợ Bàn Cờ (quận 3, TPHCM), chúng tôi không thấy nhãn hiệu mỹ phẩm nào của Việt Nam mà chỉ toàn mỹ phẩm ngoại, nhiều nhất là của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chủ sạp nói: “Mỹ phẩm nội rất khó bán. Thuần tự nhiên thì hiệu quả làm trắng da, trị mụn, trị thâm nám rất lâu, tính theo năm nên người ta chọn mua mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)”.

Tại một cửa hàng mỹ phẩm khác bên trong chợ Bàn Cờ, các loại mỹ phẩm trong nước như Thanh Thảo, Muôn Thuở, Thanh Hiền, Én Xanh có giá chỉ 4.000-9.000 đồng/sản phẩm, nhưng những người bán hàng gọi đây là kem trộn. Người bán hàng nói: “Người mua dùng các loại này trộn với các nhãn hiệu mỹ phẩm Thái Lan rồi làm kem trộn, giá rất rẻ nhưng giúp trắng da, sạch mụn, bay nám tàn nhang cấp tốc. Một số người thích da trắng nhanh, cấp tốc nên sản phẩm này bán rất chạy, khách mua mỗi lần vài chục hộp để trộn với nhau rồi dùng”.

Mỹ phẩm nào bán chạy liền bị làm nhái

Lương y, tiến sĩ Đoàn Văn Khanh - Giám đốc Công ty Long Thuận, chuyên sản xuất mỹ phẩm từ bưởi - cho biết, sản phẩm của công ty từng có mặt ở các hệ thống siêu thị lớn như Winmart, LOTTE Mart, AeonMall, Co.opMart, Satra, BigC… nhưng sau đợt dịch COVID-19, sức mua chậm, hiện chỉ còn bán ở siêu thị BigC và kênh trực tuyến.

Theo ông, mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam tốt hơn so với mỹ phẩm thiên nhiên ngoại nhập do phù hợp với cơ địa, làn da của người Việt Nam. Tác dụng của sản phẩm cũng nhanh chứ không lâu như nhiều người nghĩ, và giúp da đẹp bền chứ không như mỹ phẩm làm từ hóa chất. Tuy nhiên, mỹ phẩm Việt thua trên sân nhà là do khâu quảng cáo còn yếu, chiết khấu hoa hồng không cao, ít khuyến mãi.

Ông than: “Sản phẩm Việt nào có chỗ đứng một chút trên thị trường là xuất hiện hàng nhái tương tự với giá chỉ bằng phân nửa, trộn hóa chất trôi nổi như corticoid (hoạt chất làm trắng da, hết mụn nám cấp tốc nhưng ngưng sử dụng thì da tệ hơn ban đầu) khiến thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Từ đó, người tiêu dùng Việt Nam ngán ngẩm với mỹ phẩm Việt, cứ nhắc đến là họ nghĩ đến kem trộn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều loại mỹ phẩm Việt Nam có tên gọi hoặc bao bì na ná nhau, rất khó phân biệt được đâu là sản phẩm của doanh nghiệp uy tín, đâu là hàng nhái, hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại một sạp mỹ phẩm trong chợ Vườn Chuối (quận 3, TPHCM), ngoài nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang của Công ty Hoa Thiên Phú, còn có hàng loạt nhãn hiệu của các công ty khác như Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang, Hồng Diệp Khang, Sắc Ngọc Gia Khang, Tân Gia Khang; ngoài kem dưỡng da Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân, còn có kem dưỡng da Bảo Xinh của cơ sở Ngân Anh với phông chữ, bao bì na ná Bảo Xuân.

Bà Phạm Thị Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào - cho biết, nhiều sản phẩm của công ty bị làm nhái, làm giả nhưng công ty vẫn chưa tìm ra cách xử lý triệt để. Nếu công ty khởi kiện thì phải lo đủ thứ chi phí, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chứng minh sản phẩm bị làm nhái, làm giả. Khi kiện thành công, bên vi phạm chỉ bị xử phạt hành vi làm hàng giả 29 triệu đồng, trong khi lợi nhuận thu được từ sản xuất hàng giả, hàng nhái rất lớn; thời gian thu hồi sản phẩm bị làm nhái, làm giả mất từ 2-3 tháng nhưng không biết các doanh nghiệp có thu hồi hay không.

“Các doanh nghiệp ngoại cạnh tranh lành mạnh hơn là do cơ quan chức năng nước ngoài xử phạt rất nặng đối với hành vi làm hàng giả, hàng nhái” - bà Phạm Thị Đào nói.

Theo tiến sĩ Đinh Tiên Minh - Trưởng bộ môn marketing, Khoa Kinh doanh quốc tế và Marketing, Trường đại học Kinh tế TPHCM - có nhiều lý do khiến mỹ phẩm Việt thua trên sân nhà. Đầu tiên là sự khác biệt về công nghệ và chất lượng: mỹ phẩm ngoại thường được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến và chất lượng nguyên liệu cao hơn mỹ phẩm Việt Nam. Tiếp đến là, để sản xuất mỹ phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp Việt phải nhập khẩu nguyên liệu và hợp chất từ nhiều quốc gia khác nhau khiến chi phí sản xuất tăng lên. Do chi phí sản xuất và tiếp thị ở Việt Nam cao hơn so với các nước khác, các nhà sản xuất mỹ phẩm của Việt Nam thường khó cạnh tranh về giá với các sản phẩm ngoại. Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải tìm cách giảm chi phí sản xuất, dẫn đến sản phẩm giảm chất lượng. Lý do thứ ba là, nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến việc lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với nhu cầu và cơ địa của mình, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn.

Theo ông, tính cạnh tranh trên thị trường mỹ phẩm hiện nay rất cao, đòi hỏi các nhà sản xuất phải luôn cải tiến sản phẩm. Muốn vậy, các nhà sản xuất mỹ phẩm Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm để cải thiện chất lượng và nâng cao độ an toàn cho người dùng, nhưng dường như các doanh nghiệp còn ít quan tâm.

“Nhiều sản phẩm làm đẹp của Việt Nam chưa đạt được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, gây khó khăn trong việc xuất khẩu và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước. Các công ty mỹ phẩm của nước ngoài thường có chiến lược marketing và quản lý thương hiệu chuyên nghiệp hơn, giúp họ tạo được sự tin tưởng và thu hút người tiêu dùng. Các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam chưa chú trọng đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo nên khó cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập” - tiến sĩ Đinh Tiên Minh nhận định.

Mỹ phẩm Việt có chất lượng tốt vẫn được chọn

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&M với 353 phụ nữ ở TPHCM, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng năm 2022, có 3 yếu tố được đánh giá cao khi lựa chọn mỹ phẩm của khách hàng Việt, đó là chất lượng (71%), độ an toàn (65%), thành phần tốt (49%). Một khảo sát khác với 115 khách hàng của Tạp chí Y học Việt Nam cũng cho kết quả: các thuộc tính được người dùng đánh giá quan trọng từ cao đến thấp là công dụng, dạng bào chế, độ an toàn và xuất xứ. Đối với xuất xứ, khách hàng từ 23-30 tuổi ưa chuộng mỹ phẩm từ Hoa Kỳ, khách hàng từ 31-40 tuổi ưa chuộng mỹ phẩm từ Hàn Quốc, khách hàng có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng ưa thích mỹ phẩm từ Hàn Quốc, khách hàng có thu nhập từ 5-13 triệu đồng/tháng ưa thích mỹ phẩm từ Pháp.

Có thể thấy, yếu tố xuất xứ không phải là vấn đề đối với người dùng Việt. Do đó, mỹ phẩm Việt ít được chuộng chủ yếu là do chưa chứng minh được công dụng, chất lượng của mình.

Tiến sĩĐinh Tiên Minh

Thanh Hoa

   
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Mỹ phẩm Việt “chết” vì hàng nhái và PR kém - Kinh Doanh