Bình Định: Lúa hỏng không bán được, chỉ để cho heo, cho gà
Ngày 5/4, tranh thủ lúc trời hửng nắng, vợ chồng bà Bùi Thị Hoa (54 tuổi) ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ra đồng thu hoạch 7 sào lúa bị đổ rạp, ngâm nước đang nảy mầm do mưa lớn bất thường những ngày cuối tháng 3 vừa qua.
Bà Hoa cho biết, từ ngày bà lấy chồng về đây đã mấy chục năm nhưng chưa có năm nào xảy ra tình trạng ngập lụt "trái mùa" kiểu này, nông dân tổn thất rất lớn.
Do lúa bị đổ ngã ngâm nước nên không thể dùng máy gặt được.
"Đây là vụ lúa chính, năng suất cao thường đạt 4 tạ/sào nhưng hiện tại lúa đổ ngã, mọc mầm chưa chắc được 2 tạ/sào, hộ nào bị nặng có khi còn không được một tạ/sào. Trong khi đó, tiền phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng giá, người dân chỉ có thâm nợ nên cố gắng vớt vát từng hạt ngoài ruộng", bà Hoa nói.
Nông dân "đứt ruột" nhìn đồng lúa đổ rạp, mọc mầm vì mưa lớn bất thường.
Ông Bùi Xuân Cơ (62 tuổi) ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước cho biết: "Vụ này, vợ chồng tôi thuê mướn thêm đất làm 12 sào lúa, khi chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn bất thường làm đổ ngã, lúa mọc mầm làm thiệt hại nặng nề. Không chỉ gia đình tôi bị thiệt hại mà cả cánh đồng hơn 70ha của người dân trong thôn đều bị hư hỏng".
Theo ông Cơ, bình quân năng suất lúa đạt 3-4 tạ/sào, nhưng vụ này chỉ đạt khoảng 2 tạ/sào. Tuy nhiên, lúa ngâm nước nứt mầm bán chắc cũng không ai mua mà để cho heo, cho gà ăn.
Các đoàn viên thanh niên, bộ đội, công an đã xuống đồng giúp người dân thu hoạch những ruộng lúa bị ngã đổ trong đợt mưa lớn bất thường vừa qua.
Bộ đội, đoàn viên thanh niên giúp đỡ người dân huyện Tuy Phước, Bình Định thu hoạch lúa bị ngã đổ do mưa lớn trái mùa.
Trung sĩ Trình Minh Trạch - Tiểu đoàn 150, dự bị động viên huyện Tuy Phước - cho biết: "Đa số lúa mùa của bà con đều trong thời điểm khoảng 5-10 ngày nữa là thu hoạch, giờ bị đổ ngã, ngâm nước nên nguy cơ hư hại, mất trắng rất cao nếu không kịp thời thu hoạch. Để giảm bớt khó khăn cho bà con, theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị và huyện Tuy Phước, chúng tôi cơ động đến để giúp đỡ người dân thu hoạch nhanh các vùng ruộng bị thiệt hại nặng".
Người dân mò mẫm cắt từng cây lúa ngã đổ.
Quảng Nam: Trận lũ "cướp" sạch công sức người trồng lúa
Theo ghi nhận của PV Dân trí, mưa lớn kèm gió mạnh từ ngày 2-3/4 đã làm nhiều diện tích lúa trong thời kỳ trổ bông, ngậm sữa ở huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên ngập trong nước gây ra hư hại, ngã đổ, nhiều diện tích còn có nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn nhìn những bông lúa bị hư hại trong sự bất lực.
Với người nông dân Quảng Nam, vụ lúa Đông - Xuân là vụ sản xuất chính, thường thuận lợi vì tránh được bão lũ, thiên tai. Nay nhiều người rơi nước mắt khi trận lũ trái mùa bất ngờ "cướp" sạch công sức của họ bấy lâu nay.
Nhìn đám lúa ngã trong sự bất lực, ông Nguyễn Văn (61 tuổi, trú thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh) cho biết, mưa lớn kèm gió đã làm 10 sào lúa gần thu hoạch của ông đã bị ngập trong nước và bị quật ngã gây hư hại nặng nề.
"Sáng nay nước rút, ra đồng nhìn lúa ngã đổ mà ứa nước mắt, bất lực chứ không biết làm gì. Dựng lên thì không được, đành bỏ mặc cho trời thôi. Mọi năm, với 10 sào ruộng, tôi thu trên 3,5 tấn lúa. Năm nay chắc chưa tới một nửa, sợ lúa xấu cũng không có người mua", ông Văn thở dài lo lắng.
Rất nhiều diện tích lúa trong thời kỳ trổ bông bị ngã đổ, nằm la liệt dưới nước.
Tương tự, ông Bùi Thanh Hải (63 tuổi) trú xã Tam An, huyện Phú Ninh cho hay, năm nay, thấy cây lúa phát triển tốt hơn mọi năm nên ai ở đây cũng mừng thầm, tin chắc sẽ có một vụ mùa bội thu.
Ai dè trời không thương, lúa đang lúc ra bông, kết hạt thì mưa trái mùa khiến 20 sào lúa của ông Hải bị ngã đổ, ngâm nước lâu nên hạt lúa nhuộm màu xám buồn.
"Lúa của tôi đang trong giai đoạn ngậm sữa rồi, có vài sào thì bông đang chín, giờ thì ngã đổ, ngập úng hết cả rồi. Nhiều khả năng sản lượng lúa sẽ sụt giảm khoảng 70% so với mùa trước. Nếu trời tiếp tục mưa to thì đành mất trắng hoàn toàn thôi", ông Hải buồn rầu.
Nông dân Quảng Nam bất lực nhìn lúa ngã đổ, ngập nước.
Theo số liệu thống kê và đánh giá sơ bộ, tính đến sáng 4/4 toàn tỉnh Quảng Nam có gần 3.000 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, gần 1.600 ha lúa thiệt hại 50-70%, hơn 170 ha lúa thiệt hại 30-50% và hiện còn khoảng hơn 8.400 ha lúa đang trổ bông bị ngập nước nên khả năng hư hại rất cao. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát.
Đối với hoa màu, trước mắt có gần 500 ha bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 300 ha thiệt hại 50-70%, hơn 70 ha thiệt hại 30-50% và hiện còn khoảng hơn 4.500 ha bị ngã đổ, ngập nước nên các địa phương chưa thể đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại.
Theo người dân, bông lúa đang ngậm sữa khi ngâm trong nước nhiều ngày sẽ rất dễ bị thối hoặc lép hạt.
Về hoa và cây cảnh, có 40.000 cây bị thiệt hại hoàn toàn, 20.000 cây thiệt hại 50-70% và 100.000 cây bị thiệt hại với mức độ thấp hơn.
Ngoài ra, cả tỉnh có 110 ha ao nuôi tôm bị thiệt hại và 3 nhà bè nuôi cá cố định trên sông Thu Bồn tại khu vực xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) bị đứt neo trôi dạt xuống cửa biển Cửa Đại...
Người nông dân lo sợ, nếu trời tiếp tục mưa lớn trong thời gian tới, họ có thể mất trắng vụ mùa này.
Theo thông tin từ các cơ quan dự báo, khoảng từ ngày 7-8/4 khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông và 2 cơn bão ở phía đông Philippines có khả năng đi vào Biển Đông. Đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão sớm hơn so với quy luật hàng năm.