(NLĐO) - Đã có nhiều ý kiến khác nhau khi góp ý dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú ở Hà Nội
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú.
Nhiều chung cư, cao ốc hai bên đường Lê Văn Lương, TP Hà Nội. Ảnh: HỮU HƯNG
Theo dự thảo, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2/người; tại 17 huyện và thị xã Sơn Tây 8 m2/người. Hà Nội cho rằng việc này nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú năm 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến bảy tỏ băn khoăn về dự thảo Nghị quyết này.
KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) cho rằng vấn đề nan giải nhất của Hà Nội hiện nay là giảm dân số khu phố cổ. Từ năm 1995, Hà Nội đã đặt vấn đề giảm dân số ở khu vực này, sau đó đưa ra lộ trình và mục tiêu giãn dân nhưng thất bại.
KTS Đào Ngọc Nghiêm phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Nghiêm, để tránh lặp lại bài học này, cần đưa thêm quy định diện tích tối thiểu ở một số khu vực đặc thù như phố cổ hay các huyện được quy hoạch làm thành phố trực thuộc Thủ đô.
Còn ông Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) bày tỏ bất ngờ khi Công an thành phố báo cáo chỉ có 2/5 sở được lấy ý kiến có văn bản thống nhất với dự thảo. 3 sở không không có văn bản tham gia ý kiến là Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Ngoài ra, chỉ có 4/30 quận, huyện, thị xã có văn bản góp ý. Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải dự thảo trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố trong 1 tháng (từ 15-3 đến 15-4) nhưng không nhận được ý kiến đóng góp nào.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Hà Nội từng ban hành Nghị quyết 11 quy định diện tích nhà ở tối thiểu 15 m2/người để đăng ký thường trú với trường hợp nhà thuê từ năm 2013. Sau đó, HĐND TP ban hành văn bản kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết đến hết 2020, đến nay đã quá hạn hơn 2 năm. "Vì sao quy định này trước đây được đánh giá không phát huy hiệu quả" - ông Dĩnh đề nghị ban soạn thảo làm rõ vấn đề này.
Trong khi đó, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng việc xây dựng Nghị quyết nên có báo cáo đánh giá thực trạng và tác động xã hội để xem xét sau khi Nghị quyết có hiệu lực thì ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân, sẽ xử lý thế nào với các huyện sắp lên quận. Cần có quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú, tránh trường hợp họ cứ liên tục tạm trú, việc thực hiện Nghị quyết sẽ không đạt mục tiêu đề ra.
Bà Bùi Thị An đề nghị cần có quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú.
Theo bà An, đây vẫn là bài toán khó cho Hà Nội và chỉ áp dụng được với người mới đến đăng ký, còn với số người đã thường trú mà chưa đủ điều kiện thì cần thời gian quá độ mới thực hiện được triệt để theo tinh thần của Nghị quyết.
Tại hội nghị, ông Bạch Thành Định (nguyên Phó giám đốc Công an TP Hà Nội) cho rằng không nên kỳ vọng Nghị quyết mới có thể hạn chế tăng dân số ở Hà Nội vì thực tế số người nằm ngoài đăng ký thường trú và tạm trú rất lớn. Điều đó cho thấy quy định diện tích tối thiểu ít hiệu quả. Theo ông, ở các nước phát triển không ai dùng biện pháp này hạn chế quyền cư trú của công dân.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết Nghị quyết số 11 ban hành năm 2013 của HĐND TP mới đề cập diện tích nhà ở cho thuê bình quân đầu người là điều kiện để thường trú, thực tiễn áp dụng còn khó khăn. Trong khi đó, tình trạng dân số cơ học tiếp tục tăng nhanh cả ở nội và ngoại thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Thời hạn áp dụng Nghị quyết 11 đã kết thúc vào ngày 31-12-2020, đòi hỏi cấp thiết ban hành Nghị quyết mới quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để đảm bảo việc thực thi Luật Cư trú 2020 có hiệu quả.
B.H.ThanhTIN LIÊN QUAN