"Tôi biết có doanh nghiệp ngồi đây triển khai cùng lúc 50 dự án liền. Tôi không hiểu doanh nghiệp sẽ giải quyết thế nào khi gặp khó khăn. Tôi mong muốn doanh nghiệp trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những doanh nghiệp phải vay nhiều, cần hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền" là nội dung của một trong những phát ngôn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong hội nghị sáng nay (8/2) tại Hà Nội.
Thống đốc cho hay, cuộc hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản này thuộc chuỗi hội nghị về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. "Sắp tới, Thủ tướng cũng sẽ tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản", bà thông tin.
Không có room tín dụng riêng cho bất động sản
Thống đốc cho biết sau cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản, các khó khăn đang tồn tại trên thị trường đã được tổng kết, chủ yếu xoay quanh mục đích vay vốn, hệ số rủi ro áp dụng cao với các khoản tín dụng bất động sản hoặc tín dụng được đảm bảo bằng bất động sản, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, vướng mắc chính sách về quy định pháp lý, lãi suất…
"70% vướng mắc trên thị trường là về pháp lý", bà nói.
Thị trường bất động sản khó khăn nhưng tín dụng bất động sản vẫn tăng trên 21%. Thống đốc lưu ý việc Ngân hàng Nhà nước cung ứng vốn cho nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực ưu tiên chứ không chỉ bất động sản.
Thống đốc phát biểu tại cuộc họp ngày 8/2 (Ảnh: SBV).
Về vấn đề room tín dụng cho bất động sản, bà nhấn mạnh sẽ không có room riêng cho bất động sản mà chỉ có room chung tạo định hướng tín dụng. "Các tổ chức tín dụng tự hoạt động, phân bổ tín dụng lành mạnh", bà Hồng nói.
Trước thông tin một số doanh nghiệp cho biết dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay, thống đốc cho biết không phải vì hết room tín dụng mà phía ngân hàng phải đảm ứng các tỷ lệ an toàn. "Đó là rủi ro kiểm soát về chênh lệch kỳ hạn và rủi ro thanh khoản. Giờ cho vay hết, người dân đến rút tiền không có sẽ nguy hiểm", Thống đốc lý giải.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng các tổ chức tín dụng địa phương cũng phải tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để nói rõ vì sao doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn.
Cũng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, có phản hồi của tổ chức tín dụng liên quan đến việc các doanh nghiệp bất động sản gửi tiền lãi suất cao nhưng đi vay lại muốn lãi suất thấp. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Kiểm soát chặt việc cấp tín dụng với dự án "sân sau"
Để thực hiện các giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản, thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có dư địa cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, thống đốc yêu cầu tập trung vốn tín dụng vào các phương án khả thi, có dự án pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đúng hạn, có mục tiêu nhà ở. Đồng thời, phía tổ chức tín dụng cần chủ động rà soát các dự án bất động sản đang được cấp tín dụng để kịp thời gỡ khó khăn nếu có vướng mắc pháp lý. Bên cạnh đó, kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, vật tư vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn cho thị trường bất động sản.
Quang cảnh cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp bất động sản (Ảnh: SBV).
Đặc biệt, bà Hồng nhấn mạnh phải kiểm soát rủi ro tín dụng với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung và bất động sản không có nhu cầu kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, hỗn loạn thị trường bất động sản.
"Song song đó là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, người có liên quan của cổ đông, tổ chức tín dụng cho vay chéo... để cân đối tỷ trọng dư nợ tín dụng hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng", Thống đốc thông tin.
Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là với các doanh nghiệp, tập đoàn dự án sân sau. Theo bà Hồng, đây là điểm vô cùng quan trọng mà các cấp có thẩm quyền cao tập trung chỉ đạo, quan tâm. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nếu tập trung vào các doanh nghiệp sân sau sẽ rất rủi ro. Các doanh nghiệp rủi ro thì sẽ vạ lây sang ngân hàng.
Về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục… tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp những vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Thống đốc cho biết có tổng hợp được 17 kiến nghị của doanh nghiệp, người đi vay.
Cụ thể là: Làm rõ bổ sung quy định về hình thức vay vốn, hình thức giải ngân, tính toán dư nợ tín dụng bất động sản để kiểm soát kinh doanh hay người mua; việc giãn nợ 24-26 tháng; đề nghị giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo không nên cao hơn lĩnh vực khác; mở room tín dụng cho bất động sản; chính sách bất động sản gắn với du lịch; phối hợp Bộ Tài chính xử lý khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp; sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay; đề xuất một gói hỗ trợ tín dụng…