Từ lâu nước lá vối đã được xem là thức uống quen thuộc của mỗi gia đình bởi có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Trong những ngày nắng nóng, nhiều người có thói quen hãm nước vối uống thay nước lọc. Vậy uống nước vối thay nước lọc được không?
Lá và nụ vối là thức uống giải khát mùa hè rất phổ biến - Ảnh minh họa
TS Phùng Tuấn Giang, chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết theo y học cổ truyền, cây vối được biết đến rộng rãi trong việc hỗ trợ điều trị bệnh cúm và một số bệnh về tiêu hóa.
Bên cạnh đó, lá và nụ hoa vối cũng được dùng ngoài da để hỗ trợ điều trị các tình trạng viêm, bao gồm vết bầm tím, mụn trứng cá và lở loét.
Các thành phần chính của vối được xác định là triterpenoid loại oleanane và ursane, flavonoid C-methyl hóa và phloroglucinols đa vòng. Trong đó, chalcone C-methyl hóa được coi là thành phần chính và có hiệu quả dược lý của loài cây này.
Tác dụng nào của lá vối đáng chú ý?
Một số tác dụng dược lý đã giải thích được công dụng chữa bệnh của loại cây này trong y học dân gian, chẳng hạn như hoạt tính kháng vi rút, chống viêm và chống oxy hóa.
Hơn nữa, các hoạt tính sinh học thú vị khác cũng được phát hiện, chẳng hạn như đặc tính chống ung thư và chống tiểu đường, góp phần rất lớn vào tiềm năng ứng dụng lâm sàng của loại cây này.
Tài liệu y học cổ truyền Việt Nam ghi chép rằng lá và nụ hoa vối được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa, đau bụng và tiêu chảy. Bên cạnh đó, thuốc sắc nụ hoa được dùng ngoài để điều trị vết thương, vết loét ngứa và mụn trứng cá trong khi vỏ cây được dùng để có tác dụng sát trùng.
Trong y học dân gian Trung Quốc, lá và vỏ cây vối được dùng ngoài để điều trị loét da, ghẻ và các bệnh ngoài da khác. Khi dùng đường uống, nước sắc lá vối được dùng để điều trị tiêu chảy, mụn nhọt và viêm vú.
Nước chiết hoa vối cũng được dùng để điều trị cúm, kiết lỵ và khó tiêu; trong khi rễ vối được dùng để điều trị vàng da và đau bụng.
Cũng theo lương y Phùng Tuấn Giang, bên cạnh các tác dụng dược lý như hoạt động chống ung thư, chống tiểu đường, chống oxy hóa và chống viêm, chiết xuất cây vối và các thành phần hóa học của nó cũng được nghiên cứu trong các xét nghiệm sinh học khác, chẳng hạn như hoạt động trợ tim, kháng khuẩn, chống sâu răng, bảo vệ tế bào và chống hủy cốt bào.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này hiện đang ở giai đoạn đầu, đòi hỏi phải có thêm các nghiên cứu về cơ chế hoạt động và mô hình động vật để hỗ trợ ứng dụng lâm sàng trong tương lai.
"Mặc dù đã tiến hành một số lượng lớn các nghiên cứu dược lý nhưng vẫn chưa có các nghiên cứu toàn diện để đánh giá độc tính và tính an toàn của cây.
Đánh giá độc tính cấp và độc tính bán trường diễn nên được thực hiện để xác định các rủi ro tiềm ẩn và tác dụng phụ của cây vối và các thành phần hoạt chất của nó.
Các nghiên cứu dược động học và dược lực học cũng rất quan trọng để đánh giá sự hấp thụ, phân bố, chuyển hóa và bài tiết các hoạt chất, do đó cung cấp ước tính liều lượng cho con người", lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.
Có nên uống nước vối thường xuyên không?
Lương y Phùng Tuấn Giang cho biết nước lá vối, nụ hoa vối là đồ uống quen thuộc của người dân Việt Nam. Không chỉ là thức uống giải khát, tráng miệng mà nước vối còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe.
Tuy nhiên, khi uống cần lưu ý: không uống nước vối để qua đêm, mỗi ngày nên pha một bình nước mới; nên uống nước vối sau khi ăn, còn khi đói không nên uống nước vối đặc.
Không uống nước vối quá nhiều và không thay thế hoàn toàn nước lọc; phụ nữ có thai, trẻ em dưới 12 tuổi và suy nhược cơ thể quá mức không nên uống nước vối quá đặc hoặc uống lượng quá nhiều.
Quán nước vối bên đền Ghềnh
TTCT - Sau những tin bài trên báo từng rộ lên một hồi rồi lắng đi về vụ mua bán trẻ con ở chùa Bồ Đề (Hà Nội), chùa vãn khách hẳn.