Cô Mai vui vẻ bên các bé, cô cho biết vì con có cùng độ tuổi nên cũng coi các bé như con mình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vượt quãng đường hơn 30km từ Long An đến TP.HCM mỗi sáng, cô Mai cho biết mình đã quen dần với điều đó dù nhiều người khuyên cô nên chuyển công tác vì khoảng cách khá xa.
6h10, phụ huynh đến gửi con rải rác vì lý do công việc, dù giờ mở cửa trường đón học sinh đã được quy định là 6h30. Các cô vẫn niềm nở đón và dỗ dành các bé còn khóc vì ngái ngủ, lúc này cô chính là người mẹ thứ hai.
18 học sinh, 2 giáo viên cùng nhau trải qua một ngày dài với hàng tá những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lưng áo các cô luôn ướt đẫm mồ hôi vì phải liên tục thay tã, vệ sinh cho trẻ, kịp thời can thiệp khi thấy trẻ có biểu hiện giành đồ chơi của nhau, cào cấu nhau... Thử hỏi, nếu không xuất phát từ chính trái tim của một người yêu trẻ thì liệu có bao nhiêu người chọn gắn bó với công việc này.
"Ngày xưa có câu một nghề cho chín còn hơn chín nghề, vậy mà chúng tôi lại kiêm cả trăm nghề trong một nghề giáo viên mầm non. Để các cháu được vui vẻ, ăn ngon, ngủ ngon thì dù mệt chúng tôi cũng thấy vui" - cô Hằng, người đã 33 năm trong nghề, chia sẻ.
Ở TP.HCM, số trường mầm non công lập có nhận học sinh từ 18 tháng tuổi trở xuống không nhiều. Vì vậy, việc mở được lớp nhà trẻ dưới 18 tháng tuổi ở Trường mầm non Rạng Đông 4 là một nỗ lực rất lớn của nhà trường cũng như giáo viên đứng lớp.
Vì độ tuổi còn nhỏ nên các bé vẫn nhõng nhẽo vào buổi sáng mỗi khi đến lớp