Lãng phí nguồn lực từ chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

03/06/2023 09:3
Báo cáo giám sát của Quốc hội nêu rõ việc phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực chương trình 'Sóng và máy tính cho em' chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

 

Lãng phí nguồn lực từ chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Nhiều học sinh đã được hỗ trợ hạ tầng và phương tiện học trực tuyến thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em" - Ảnh: VÂN NGỌC

Khó khăn về thẩm định giá, phối hợp

Báo cáo giám sát của Quốc hội về phòng, chống COVID-19 nêu chương trình “Sóng và máy tính cho em” được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc cung cấp thiết bị, đường truyền, ứng dụng phục vụ học tập cho học sinh, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên việc triển khai chậm, kết quả hạn chế bởi theo báo cáo của Chính phủ, mới huy động, bàn giao máy và chuyển kinh phí cho các tỉnh tương đương 493.249 máy tính.

Qua giám sát cho thấy việc phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực này (bao gồm cả nguồn lực xã hội hóa) chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Ở nhiều địa phương, kết nối mạng yếu hoặc không có kết nối mạng Internet, không sử dụng được máy tính; có địa phương tổ chức học trực tiếp mà không học trực tuyến.

Việc mua sắm máy tính bảng ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn về công tác thẩm định giá và thủ tục phối hợp giữa các sở, ban, ngành chậm trễ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cho hay chương trình "Sóng và máy tính cho em" là giải pháp tình thế nhưng có ý nghĩa nhân văn rất lớn, do vậy đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, đã phân bổ 92.629 máy tính bảng đến 23 địa phương và 462 tỉ đồng (tương đương 205.200 máy tính bảng) đến 17 địa phương.

Các doanh nghiệp viễn thông (cùng UNICEF Việt Nam) hoàn thành bàn giao 92.629 máy tính bảng cho 25 tỉnh, thành… giúp ngành giáo dục triển khai dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên theo bà Hoa, tồn tại lớn nhất chính là quá trình giải ngân nguồn tiền này có tiến độ khá chậm, một số địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai mua máy tính cho học sinh và có tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, nhiều thủ tục rườm rà.

Bà Hoa nhấn mạnh "việc giải ngân chậm đã khiến mục đích tốt đẹp của chương trình không trọn vẹn và nói là lãng phí nguồn lực cũng không sai".

Tuy vậy theo bà Hoa, để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai cũng không đơn giản vì có khá nhiều lý do, trong đó chậm trễ do trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nguồn cung không thể đáp ứng.

Bên cạnh đó chậm trễ vì vướng mắc về mặt pháp lý, thiếu quy định cụ thể, một số địa phương không giải ngân được do khó khăn trong khâu thẩm định giá, thủ tục đấu thầu tập trung, công tác phối hợp giữa các sở, ngành...

"Như vậy, việc quy trách nhiệm phải rất rạch ròi. Cụ thể là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ trong ban hành cơ chế chính sách, đồng thời trách nhiệm địa phương trong tổ chức thực hiện", bà Hoa nêu.

Thời gian tới để chương trình bảo đảm đúng mục tiêu, thiết thực, hiệu quả, bà Hoa nhấn mạnh cần rà soát các vướng mắc để giúp các địa phương có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Với việc thiếu nguồn cung, bà Hoa chỉ rõ cần điều tiết, kết nối với nhà sản xuất, cung ứng để bảo đảm có đủ nguồn cung. Vướng về thủ tục đấu thầu cần nghiên cứu, sửa Luật Đấu thầu.

Quan trọng hơn cả là máy tính bảng của chương trình cần bảo đảm chất lượng, cấu hình, trao máy tính tới đúng đối tượng và tiếp tục đầu tư đồng bộ cả ba cấu phần "có sóng, có Internet và máy tính. Đó là sự đầu tư bền vững cho giáo dục".

Các địa phương phải chủ động

Đại biểu Trần Văn Thức (giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa) cho rằng chương trình chỉ có ý nghĩa tích cực khi giãn cách xã hội và kích hoạt các hình thức học trực tuyến.

"Khi bình thường rồi mà chậm sẽ không tránh khỏi hạn chế, lãng phí", ông Thức nói.

Theo ông Thức, chương trình chỉ thực hiện tốt với các nơi có điều kiện hạ tầng tốt, còn với những vùng điều kiện điện, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng thì càng khó. Chưa nói đến trình độ, phương cách sử dụng.

Để khắc phục tồn tại, sử dụng nguồn lực hiệu quả, theo ông Thức, các địa phương phải chủ động triển khai theo định hướng của trung ương. Quá trình thực hiện nếu thấy bất cập cần có đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Theo Nguồn tuoitre.vn

Lãng phí nguồn lực từ chương trình 'Sóng và máy tính cho em' - Giáo Dục