Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp cực hay giúp con chăm chỉ học tiếng Anh

02/10/2022 03:2
Nhờ sự đồng hành của mẹ, con trai lớn nhà chị Liên đạt IELTS 7.0 từ lớp 9. Bé thứ 2 lên lớp 6 đã tự mình lập một kênh Youtube để chia sẻ kiến thức với các bạn bằng tiếng Anh.

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên hiện đang công tác tại trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội). Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng việc học của hai con, chị Liên cho rằng, trẻ học tiếng Anh trong giai đoạn 5 tuổi đến 10 tuổi là rất dễ dàng, và đặc biệt những bạn nào tự tin, thích giao tiếp tiếng Việt thì lại càng dễ giỏi. Chị Liên cũng có rất nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh cho trẻ được nhiều phụ huynh yêu thích.

Nhờ sự đồng hành của mẹ, con trai lớn nhà chị Liên đạt IELTS 7.0 từ lớp 9. Bé thứ 2 lên lớp 6 đã tự mình lập một kênh Youtube để chia sẻ kiến thức với các bạn bằng tiếng Anh. Các clip các bé tự quay, tự dựng, tự nói, và thời gian để nghĩ ra một bài, làm thuyết trình hay nói còn chỉ mất độ 20 phút.

Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp cực hay giúp con chăm chỉ học tiếng Anh

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên.

Làm sao để con chịu học?

Chị Liên cho rằng, tài liệu và lộ trình có thể được chia sẻ rất nhiều và việc học tiếng Anh trong 6 năm đầu đời không cần thông minh, chỉ cần chăm chỉ. Thế nhưng lúc này, câu hỏi đặt ra của các mẹ khi đã có một lộ trình học rõ ràng và tưởng như dễ đó là: Làm sao để con chịu học?

Theo chị Liên, động cơ hay động lực để một người làm việc hay để trẻ học thì xuất phát từ mấy việc sau:

1. Phải thấy lợi ích của việc mình cần làm

- Lợi ích dài hạn:Chẳng hạn, với việc học tiếng Anh thì lợi ích dài hạn, lợi ích thực là con có thể sử dụng được tiếng Anh như chơi game, đọc các hướng dẫn thuốc, thông số sản phẩm, sách hướng dẫn; xem phim tiếng Anh; xem các kênh truyền hình; đi du lịch có thể tự tin hỏi đường và dùng tiếng Anh để giao lưu được với mọi người; giỏi tiếng Anh sẽ giúp con đi thi các cuộc thi, sẽ khiến con tỏa sáng…

Giỏi tiếng Anh sau này còn giúp con dễ dàng đi du học, mà nếu không thì có thể xin vào các công ty nước ngoài. Chưa kể giỏi tiếng Anh ban ngày đi làm tối còn đi dạy được nữa. Bây giờ thi cấp 3 hay đại học mà có IELTS thì còn được miễn trừ thi, được cộng điểm khi xét hồ sơ. Nói chung là "lợi thế trùng trùng".

"Cứ bắt đầu học mình đều hỏi con: Nào con nói cho mẹ lợi ích của việc học tiếng Anh nào, nêu ít nhất 5 lợi ích. Thế là từ đó con và mình không bao giờ phải tranh cãi tại sao chúng ta phải học tiếng Anh. Và không chỉ có tiếng Anh, bất cứ cái gì mình muốn con làm như việc nhà, hay là đi học ngoại khóa môn MC, mình đều luôn nói trước cho con biết lý do và yêu cầu con nói lại các lý do đó", chị Liên chia sẻ.

Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp cực hay giúp con chăm chỉ học tiếng Anh

Ảnh minh họa.

- Lợi ích ngắn hạn do bố mẹ, thầy cô tạo ra cho các con để giúp các con vượt qua những khó khăn bước đầu cho việc học tiếng Anh

Thứ nhất, là lời khen và sự ghi nhận ngay lập tức. Luôn tìm được điểm gì đó để khen con, cho con một sự tự tin con là một đứa trẻ tốt.

Thứ hai, chị Liên cho mỗi đứa con 1 quyển sổ, gọi là sổ khen thưởng và có 1 cái dấu "good job". Mỗi ngày con làm tốt cái gì, kể cả việc học tiếng Anh sẽ được mẹ đóng cho con một dấu kèm với việc ghi rõ là con đã làm điều gì tốt. Chị có quy định rõ là nếu con đạt đủ dấu thì có thể đổi quà nhỏ như kẹo, đồ chơi, chuyến du lịch... Để phần quà có giá trị, chị thường không hay mua bất cứ cái gì cho con ngoài sinh nhật, 1/6 và Noel.

Thứ 3 là không chỉ khen thưởng, mỗi tuần chị Liên đều tranh thủ ngày chủ nhật có nhiều thời gian ngồi cùng con và đọc là những điều tốt đẹp mà con đã làm để được dấu good job: "Mình nhớ mãi đôi mắt của con sáng lên, vẻ mặt hết sức tự hào của con mình khi mà mẹ đọc những điều tốt của con. Mỗi ngày con đều nói: Mẹ ơi mẹ đọc điều tốt đi. Nhờ việc ghi nhận này mà con mình rất tự tin con là đứa trẻ rất tốt và cũng hạn chế được việc con làm những hành vi không mong đợi".

Còn khi con thực hiện những điều chưa tốt, chúng ta chỉ nên nói với con hành vi đó không tốt, mẹ không muốn con làm vậy hoặc nặng hơn thì bố mẹ có thể phạt và con phải rút kinh nghiệm chứ không ghi lại và để lại dấu ấn trong đầu con. Con cần quên đi những hành vi chưa tốt ở bản thân và hướng tới những điều tích cực. Đây là một dạng ám thị quan trọng mà cha mẹ phải làm cho con.

2. Trẻ sẽ bị phạt nếu không thực hiện nhiệm vụ về tiếng Anh

Cùng trẻ thảo luận hình phạt nếu trẻ từ 5 tuổi trở lên. Ví dụ, nếu con hàng ngày làm đủ nhiệm vụ tiếng Anh hay việc nhà được 1 dấu good job, còn nếu không làm thì bị phạt cho nhớ. Các hình thức phạt thì bố mẹ có thể thảo luận đưa ra phù hợp với tuổi của con. Ví dụ: Sẽ không được xem tivi, sẽ không được sang nhà bạn chơi, sẽ bị đứng vào góc suy ngẫm 15 phút.

Nhắc nhở khi trẻ vi phạm: Nên mua một cái đồng hồ đặt ở bàn, và cứ giao nhiệm vụ có kèm thời gian. Ví dụ nghe 10 phút từ 7h đến 7h10 nhé, con ngồi yên để nghe CD và nói theo. Vừa dạy con xem đồng hồ vừa dạy con biết kiểm soát thời gian của bản thân. Khi trẻ vi phạm như không học dù đã hết giờ thì bố mẹ sẽ nhắc nhở. Sự giám sát và nhắc nhở rất quan trọng với trẻ, bởi trẻ nhiều khi còn nhỏ, hay lơ là và hay quên.

Khi trẻ vi phạm hành vi không mong muốn nhiều lần như không chịu học, không chịu ngồi bàn, mẹ có thể áp dụng các hình thức kỷ luật và giáo dục như sau:

Sử dụng body language: Với những hành vi không mong muốn mẹ phải thể hiện cho bé biết việc đó không được phép. Mẹ có thể dừng lại, không nói năng gì và nhìn một cách nghiêm khắc. Lúc này bé tự nhiên sẽ khựng lại và nhìn lại mẹ. Mẹ sẽ nói "không con nhé". Nhìn thẳng vào mắt con là vô cùng quan trọng. Lúc này trông mặt mẹ phải thật nghiêm.

Tách trẻ ra khỏi hoạt động - time out: Thông thường có thể cho bé mỗi 1 tuổi là 1 phút time out và hiệu quả với trẻ dưới 8 tuổi. Khi cho con tạm lắng phải chọn một chỗ dễ nhìn mọi người nhưng con phải đứng yên. Nếu con khóc bám theo phải kiên quyết nói "không con ngồi đó nếu con tiếp tục đi ra thời gian ngồi một chỗ sẽ tăng thêm". Con khóc lóc mẹ vẫn phải lạnh và tiếp tục khẳng định con chỉ quay lại chơi khi hết giờ phạt.

Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp cực hay giúp con chăm chỉ học tiếng Anh

Cho con tự nhận hệ quả của hành động của mình: Như khi con làm đổ nước con phải tự đi lau. Con quên đồ tự về lấy, Con quên đồ dùng học tập phải tự chịu phạt ở trường.

"Thường mình sẽ trao đổi: "Mẹ cần nói chuyện riêng với con, con vào đây". Vậy là con biết có chuyện và rất là sợ rồi. Sau đó mình sẽ ngồi nói chuyện về hành vi của con mà mình không hài lòng, và nói rõ lý do, kèm hỏi con là con nên thay đổi hành vi đó theo hướng nào", chị Liên chia sẻ.

3. Trẻ phải có thói quen ngồi học và tư duy, và phải cảm thấy việc học và tư duy này là dễ dàng thực hiện được

Bên cạnh việc dùng lợi ích, thưởng rồi phạt khi muốn con học tiếng Anh thì việc tạo cho con thói quen ngồi học và rèn cho con kỹ năng tự học mới là điều quan trọng nhất mà bố mẹ phải làm với con.

Theo chị Liên, hàng ngày bố mẹ nên cho con ngồi vào bàn đúng giờ, và nên bắt đầu từ khi con 4-5 tuổi, trước khi con vào lớp 1, mỗi ngày chỉ cần 15-60 phút và không nhất thiết là ngồi bàn là phải học. Thời gian ngồi nên tăng dần theo thời gian chứ đừng bắt con phải ngồi ngay được 60 phút.

Bà mẹ hai con chia sẻ: "Ví dụ nhà mình từ khi con 3 tuổi có quy định là cứ 7-8h là giờ mình dạy con lớn, 8-9h là giờ dạy bạn bé. Mỗi ngày 2 tiếng. Trong 60 phút đó mình sẽ bố trí là cứ ngồi 5 phút tĩnh như tô màu, ghép hình, xâu hạt rồi mẹ và con lại chơi 5-10 phút động như nhảy vào ô màu, rồi kể chuyện theo tranh rồi mẹ lấy các quyển truyện rải khắp nhà và yêu cầu con đi tìm, tìm xong thì đứng kể lại cho mẹ.

Sau đó thời gian ngồi tĩnh tăng dần lên. Sau 1-2 năm thì con ngồi học liên tục được 60 phút. Trong khi con các mẹ vất vả vào lớp 1 thì bé nhà mình vào lớp 1 khá nhẹ nhàng. Các buổi tối không bao giờ là "đánh vật" của mẹ với con. Khi dạy con học mình cũng luôn nghĩ là làm thế nào để con có thể học mà không có mẹ. Do đó mình dạy con cách mở ti vi, mở CD, mở phim tự xem. Mọi thứ cần thiết đều để xung quanh con ở mức dễ lấy, dễ với tay đến".

Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp cực hay giúp con chăm chỉ học tiếng Anh

Ảnh minh họa.

Ngoài việc dạy ngồi bàn thì chị Liên thường hay đọc sách cho con và nói chuyện với con quanh cuốn sách đó. Khi con lên lớp 1, chị yêu cầu con vẽ lại quyển truyện mẹ và con vừa đọc, rồi sau đó lên lớp 2 yêu cầu con vẽ sơ đồ tư duy đúc kết quyển sách đã đọc rồi kể lại. Lên lớp 3, chị hỏi xem con rút ra được bài học gì và áp dụng gì vào cuộc sống. Đây chính là cách chị Liên đang dạy con kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.

Lên lớp 6-7, chị Liên bắt đầu giao chủ đều và con phải tự tìm hiểu về chủ đề đó và viết lại phân tích về chủ đề như: Lý do tại sao trẻ em không nên ăn đồ ngọt, hay trẻ em có nên có bài tập về nhà không? Hay hiện tại khí hậu thế giới đang thay đổi thế nào và nó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của con, con sẽ làm gì cho việc thay đổi khí hậu đó?

Vì con có kỹ năng tự học, và lại được mẹ dạy khả năng đúc kết và áp dụng kiến thức nên các bé học khá chủ động.

Theo Nguồn afamily.vn

Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp cực hay giúp con chăm chỉ học tiếng Anh - Giáo Dục