Bức thư nhà giáo gửi Thủ tướng ngày 4-9là của cô Hoàng Thị Thu Hiền, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trong đó đề cập đến nhiều "bài toán" mà ngành giáo dục cần sớm tìm lời giải trong năm học mới.
Để nhà vệ sinh không còn "ám ảnh"
Sáng 3-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vàđoàn công tác đã tới thăm, động viên và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường THPT Yên Lập (tỉnh Phú Thọ).
Trong rất nhiều vấn đề được đề cập, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hết sức chú ý vấn đề vệ sinh, môi trường, nhà vệ sinh cho các em học sinh, không coi đây là "công trình phụ".
Trước sự sâu sát của Thủ tướng, trong bức thư, nhà giáo Hoàng Thị Thu Hiền "vô cùng cảm kích khi thấy Thủ tướng vào kiểm tra nhà vệ sinh Trường THPT Yên Lập. Hệ thống 'công trình phụ' nói chung là nỗi ám ảnh cho tất cả các học sinh.Đời học sinh ai cũng sợ nhất là cái toilet. Vào phải bịt mũi, vào xong không ăn được cơm, có em nhịn không dám đi rồi bị đau thận, nhiều học sinh chuyển trường cũng chỉ vì toilet".
Đồng tình với ý kiến của cô Hiền, bạn đọc Mỹ Toàn nêu ý kiến: "Nhà vệ sinh cực kỳ cần thiết cho học sinh. Trên cả nước được mấy trường quan tâm đến cái nhà vệ sinh sạch sẽ cho các cháu. Chuyện nhỏ mà chúng ta không làm được, vậy chuyện lớn làm sao làm đây?".
Trong khi đó, bạn đọc Cao Quang Tân góp ý: "Thứ nhất có nhiều nơi chất lượng xây dựng thấp do việc giám sát thi công và nghiệm thu không đúng. Thứ hai khi đã có công trình chất lượng thì điều quan trọng hơn nữa là nhà trường (giáo viên, học sinh...) có ý thức sử dụng và bảo quản, có thực sự quan tâm duy trì việc vệ sinh thường xuyên của giáo viên và học sinh hay không?".
Theo bạn đọc Cao Quang Tân, cần nhìn nhận thẳng: "Lãnh đạo nhà trường có vào nhà vệ sinh kiểm tra đôn đốc thường xuyên hay không hay chỉ dăm bữa nửa tháng là đã 'bốc mùi' không ai dám vào, đó mới là mấu chốt vấn đề".
Độc giả Lê Văn Vinh nêu góc nhìn khác: "Ở tỉnh Bình Phước còn khó khăn nhưng các trường đều làm tốt nhà vệ sinh. Chỉ có điều ý thức tập thể, bảo vệ của công của các em kém. Các cô chú lao công cũng không đủ sức để lo nổi. Thậm chí ý thức của giáo viên cũng chưa tốt huống chi là các em thì nhà vệ sinh không thể nào sạch được".
Độc giả có tên tài khoản "Thanh npt" nêu giải pháp: "Chỉ cần chi 5 - 10 triệu đồng/tháng để tuyển 1 bác lao công phụ trách vệ sinh trường lớp, công trình phụ... là giải quyết được nỗi ám ảnh đó. Phụ thu đầu năm học quá trời, không lẽ không thể chi cho khoản thiết yếu này".
Đau đáu đời sống giáo viên
Đời sống của giáo viên cũng được nhiều bạn đọc trăn trở gửi về Tuổi Trẻ Online - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong bức thư gửi Thủ tướng, cô Hiền đề cập thực trạng người giỏi không mặn mà với sư phạm. Một trong những nguyên nhân là bài toán kinh tế, đúng như câu nói "có thực mới vực được đạo".
"Chúng ta giải bài toán này thế nào khi lương và thu nhập tăng thêm của một người mới ra trường ngành sư phạm chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng - họ phải làm ngày thứ bảy và có thể cả chủ nhật vẫn phải tham gia hoạt động ngoại khóa", cô Hiền viết.
Bạn đọc có tên tài khoản suthat nêu ý kiến: "Khoảng năm 2001, tôi nhớ điểm vào sư phạm là 27-30. Không rõ mức điểm đó giữ bao lâu. Nay đọc bài báo giật mình thấy học sinh không chọn sư phạm. Theo tôi, còn thiếu lý do ít học sinh thi sư phạm do đầu ra. Vì vào được sư phạm do biên chế giáo viên có hạn, thi cử đầu vào còn nhiều tiêu cực, nên ai không quen, không mối quan hệ thì không chọn sư phạm".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Anh Dân nêu thực tế: "Tôi cũng là một giáo viên trường chuyên đã nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, tôi là người hưởng lương cao nhất trường sau 37 năm giảng dạy: 16,5 triệu đồng, cao hơn những giáo viên thâm niên 32 năm: 1,5 triệu đồng! Tính ra mỗi năm được tăng 300.000 đồng!".
Bên cạnh chuyện đời sống giáo viên, một số độc giả kiến nghị Thủ tướng có thể quan tâm hơn đến văn hóa đọc trong nhà trường.
Bạn đọc có tên tài khoản "Tuan 123" nêu góc nhìn: "Một quyển sách bình thường khoảng vài chục trang, giá cũng ngót nghét cả trăm nghìn đồng. Bản thân tôi là giáo viên mà muốn mua sách để tham khảo cũng là vấn đề nan giải, vì đồng lương thì thấp mà giá sách quá cao, không thể mua được.
Đã mấy năm nay tôi chưa hề mua một quyển sách, chỉ tham khảo chủ yếu là nguồn sách trên mạng Internet. Mong rằng Nhà nước có những chính sách thiết thực hơn để đẩy mạnh phong trào đọc, văn hóa đọc; để làm được thế thì giá sách phải phù hợp với thu nhập của người đọc".
TRỌNG NHÂN