Nhưng sau gần 2 tháng giảng dạy, không ít thầy cô dạy văn lớp 10 “kêu trời” vì phải dạy lại kiến thức bậc THCS cho học sinh.Thói quen đọc, chép, học thuộcMới đây, tiến sĩ Ngô Thanh Hải - giáo viên (GV) Trường THPT Lạng Giang số 2 (tỉnh Bắc Giang) - có những chia sẻ tâm huyết sau sáu tuần dạy chương trình ngữ văn lớp 10 mới. Năm nay, thầy phụ trách lớp chọn văn khối D, điểm đầu vào môn văn của các em đều từ trên 7 đến 8,5. Tuy nhiên, thầy Hải nhận thấy sách giáo khoa ngữ văn 10 mới và học sinh (HS) lớp chọn văn của thầy có khoảng cách quá xa nhau - bởi những kiến thức căn bản như tóm tắt cốt truyện đã được học mà các em cũng không làm được.
Một tiết học văn không đọc - chép của học sinh Trường THCS Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) |
Thầy nhận thấy HS không có thói quen đọc, không có kỹ năng tiếp cận văn bản hay viết những vấn đề tự mình phải nghĩ, phải đưa ra các luận điểm, quan điểm; các em quen với việc đến lớp chờ GV đọc cho chép rồi học thuộc. Cực chẳng đã, thầy Hải phải chuyển từ cách dạy cho HS khá, lớp chọn sang cách dạy cho HS trung bình, yếu để vực kỹ năng và thói quen phải tư duy.Theo thầy Hải, đề thi vào lớp 10 chỉ loanh quanh trong mấy tác phẩm lớp Chín, yêu cầu cũng đơn giản là phân tích một số đoạn nên GV và HS dạy và học theo “quy trình” đọc - chép - học thuộc, để đi thi. Thực ra, vấn nạn văn mẫu đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng nó chỉ bộc lộ thê thảm khi năm học này, HS lớp 10 học theo chương trình mới.Thầy Hải - sau 17 năm đứng lớp, đã lần đầu tiên phải nói thẳng với HS của mình rằng, nếu vẫn duy trì thói quen chép - học thuộc đó thì sau này ra đời, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tính tự lập, óc tư duy, khả năng sáng tạo, hay đơn giản nhất là vận dụng, hình thành kỹ năng cho chính bản thân của các em đã bị “giết chết”.Cô giáo N.L.H. (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) than thở: “Nhiều năm nay, năm nào đón HS lớp 10 tôi cũng mất mấy tháng căng thẳng. Lên bậc THPT, nhưng tôi phải dạy lại các em cách cảm nhận, cách tư duy để viết - chứ đừng học vẹt rồi viết ra những câu vô hồn giống nhau”.Người học, người dạy đều phải thay đổiNhiều thầy cô dạy ngữ văn cho rằng, chương trình mới sẽ rất khó khi HS là nạn nhân của văn mẫu. Phải chờ vài năm nữa - khi những lứa HS đầu tiên học chương trình mới ở bậc THCS lên bậc THPT thì mới hy vọng chương trình mới sẽ mới.Hy vọng là vậy, song cách dạy và học ở bậc THCS không phải nơi nào cũng triển khai được đúng theo tinh thần của chương trình mới. Cô P.H. đang dạy tại một trường THCS có tiếng tại Hà Nội, thẳng thắn: “Hai năm dạy theo sách mới rồi nhưng vẫn có GV dạy theo tư duy của sách cũ, chương trình cũ”. Bản thân cô P.H. đã phần nào hiểu được dụng ý của nhóm tác giả biên soạn sách, nhưng sau tiết dự giờ, cô nhận về lời nhận xét: “Dùng từ ngữ lạ, khó với HS như “tri thức”, “chiến lược đọc”. Cô cho biết người nhận xét chưa hề đọc sách giáo khoa mới, bởi đó là những từ HS đã quen ngay những ngày đầu tiếp cận sách mới.Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (chủ biên chương trình môn ngữ văn - chương trình giáo dục phổ thông mới) - với chương trình mới, HS phải đọc, viết và nói - nghe xoay quanh ba loại văn bản lớn (văn học, nghị luận và thông tin). Do chương trình mới yêu cầu tích hợp giữa các phần đọc hiểu, viết và nói - nghe; nên khi dạy một dạng văn bản, nhiệm vụ của GV là hướng dẫn HS tự tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản và viết theo cái nhìn, theo cảm nhận của các em. Trong khi suốt nhiều năm, GV dạy theo phương pháp giảng cho HS nghe về cái hay, cái đẹp của một văn bản, tác phẩm - theo hiểu biết của chính GV. Nên nhiều khi cả GV và HS đều bị lệ thuộc vào “cái mẫu” đó.Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết - cựu GV Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - cho rằng cần phải thay đổi - bắt đầu từ GV. Nếu GV vẫn áp dụng kết quả của bốn năm đào tạo đại học cho thực tế giảng dạy - thì sẽ không đáp ứng được. Với GV ngữ văn, việc đọc vô cùng quan trọng để có thể mở rộng tư liệu, dẫn dắt HS khám phá thêm nguồn ngữ liệu phong phú của văn chương; từ đó trả lại đúng bản chất của dạy và học môn ngữ văn.Ngọc Minh Tâm