Thầy trò Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng sửa xe lăn tại xưởng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chỉ cần thông báo, xe lăn hư hỏng sẽ được "đội thợ" đến nhận tận nơi và giao về đúng chỗ cho người cần.
Sửa "đôi chân" cho người khiếm khuyết
Một buổi trưa tháng 9 trời nóng ran, Trần Công Lưu, sinh viên năm 3 ngành công nghệ ô tô, dừng xe máy trước xưởng thực hành của khoa cơ khí - Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Bên trong xưởng có mấy thầy trò đợi sẵn. Lưu xắn tay áo lao ngay vào việc.
Tiếng cờ lê, ốc vít loảng xoảng, tiếng bàn bạc, hội ý giữa mấy thầy trò râm ran. Trời đã quá trưa nhưng nhóm thầy trò vẫn tranh thủ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi bàn giao chiếc xe lăn về với chủ nhân của nó.
Tham gia từ đầu tháng 6 đến nay, ngoài giờ học ở trường, Lưu tranh thủ chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm tiền trang trải việc học. Nhưng cứ giữa trưa, Lưu lại tắt app để ghé xưởng thực hành làm "thợ sửa xe".
Lưu bảo rằng thời gian đó nếu tranh thủ cũng được thêm vài ba cuốc nhưng việc em làm ở xưởng có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chiếc xe trước mặt Lưu khi được mấy thầy trò nhận về bị hư hỏng khá nặng. Các bộ phận đều hỏng hóc, yên xe rách bươm. Phải mất hơn ba ngày cật lực mấy thầy trò mới sửa hoàn thiện. Mấy thầy trò kiểm tra lại bánh, trục, gác chân, phanh... là những công đoạn cuối cùng trước khi bàn giao xe về chủ.
Lưu chia sẻ: "Ngành học của em được học về kết cấu của ô tô, nhưng nay phải tìm hiểu và sửa chữa kết cấu xe lăn khác hoàn toàn nên khi sửa chữa mất khá nhiều thời gian".
Cùng đội và cùng khoa với Lưu có Trần Võ Nhật Tùng, sinh viên năm nhất, cũng miệt mài với dòng mồ hôi nhễ nhại.
Tùng chia sẻ: "Dù mới vào trường nhưng nghe tin có chương trình "Xe lăn yêu thương" là em đăng ký tham gia ngay. Dẫu biết những kiến thức, kỹ năng mình được học còn khá ít nhưng cứ làm cùng các bạn, những công đoạn khó sẽ nhờ giáo viên hỗ trợ".
Sau khi những chiếc xe lăn được sửa chữa, tân trang, mấy thầy trò kiểm tra lại một lượt thật kỹ rồi thầy Nguyễn Anh Vũ, bí thư Đoàn trường, nhấc máy liên hệ với chủ nhân để giao xe. Thầy Vũ cho biết với đặc thù xe lăn khác các loại xe khác, nên thầy trò cũng lắm khi "bí" lại đi hỏi, đi nhờ mấy tiệm gia công.
Theo thầy Vũ, việc mua phụ tùng, linh kiện khá khó, khi mua về phải gia công lại cho phù hợp bởi bánh xe, trục... đều không theo quy chuẩn nào cả. Kinh phí mua linh kiện cũng là trở ngại lớn. May sao thầy cô trong trường mỗi người bỏ tiền túi chung tay một ít nên xưởng vận hành trơn tru.
Đội "thợ" sửa xe lăn có khoảng 20 sinh viên luân phiên cùng thầy cô. Các sinh viên học nghề hàn, nghề ô tô sẽ đảm nhận khâu sửa phần khung, cơ khí, kết cấu. Phần tựa lưng, ghế ngồi sẽ do sinh viên khoa may phụ trách.
Bên cạnh đó một số sinh viên các khoa khác cũng tham gia hỗ trợ. Từ đầu tháng 6 đến nay, xưởng đã sửa chữa hàng chục chiếc xe lăn miễn phí. Giờ đây thông tin được truyền đến tai những người khiếm khuyết trên toàn thành phố, khi có xe lăn hư hỏng, họ chỉ nhấc máy gọi là "đội thợ" đến tận nơi nhận xe và giao xe khi đã sửa chữa hoàn thành.
Ngoài đào tạo cho các em kỹ năng nghề, có tay nghề vững vàng, nhà trường cũng mong muốn giáo dục cho các em về những việc làm cộng đồng. Các em hình thành lòng trắc ẩn, biết quan tâm đến những người yếu thế. Đây là bài học giáo dục đạo đức cho các em song song với việc dạy nghề.
Thầy Hồ Viết Hà
Bài học giáo dục lòng yêu thương
Thầy Hồ Viết Hà, hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng, cho biết những người khuyết tật dùng chiếc xe lăn thay cho đôi chân của họ.
Nhưng khi chiếc xe hư hỏng, phần lớn họ tự sửa mà thị trường lại chưa có tiệm nào chuyên sửa xe lăn. Nhà trường đã kêu gọi sinh viên cùng giáo viên tham gia sửa xe lăn miễn phí cho người khuyết tật, giúp họ có "đôi chân" vững vàng hơn.
"Ngoài ra những người già, neo đơn khuyết tật vẫn chưa có điều kiện mua xe lăn, nhà trường đang kêu gọi những ai có xe lăn hư hoặc dư thừa, mang về tân trang lại để dành tặng cho những người khó khăn này. Đa số người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, khi giao xe, thầy trò thường tặng thêm tiền và quà cho họ" - thầy Hà cho hay.
Theo thầy Hà, không chỉ giúp cho người khuyết tật, chương trình "Xe lăn yêu thương" giúp lan tỏa tình yêu trong cuộc sống, xây dựng lòng yêu thương với sinh viên.
Ông Trương Công Nghiêm, chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng - đơn vị kết nối những người khuyết tật có xe lăn hư hỏng với trường để sửa chữa, cho biết phần lớn xe lăn hư vài bộ phận, người khuyết tật phải nhờ các tiệm sửa xe đạp nhưng các cơ sở này thấy xe lăn, xe lắc rất phiền toái, phần vì họ ngại người khuyết tật không có kinh phí để trả nên từ chối sửa.
Đa số người khiếm khuyết thuộc dạng tật nặng, mưu sinh bằng nghề vé số, buôn bán nhỏ tại nhà, hàng rong... thu nhập bấp bênh nên sự giúp đỡ của thầy trò trường nghề càng ý nghĩa hơn với họ.
"Chương trình "Xe lăn yêu thương" rất ý nghĩa, giúp sửa chữa, cải tạo xe lăn hư hỏng cho người khuyết tật để giúp họ có điều kiện đi lại, mưu sinh. Dù không quá chuyên môn nhưng các "thợ" của xưởng đã sửa chữa rất tâm huyết những chiếc xe lăn hư hỏng, khi giao xe ai nấy đều hài lòng" - ông Nghiêm cho hay.
ĐOÀN NHẠN